Xuất khẩu lao động lập kỷ lục mới: Cơ hội đi làm việc nước ngoài rộng mở

Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các thị xuất khẩu lao động trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, các thị trường tại châu Âu cũng rộng mở với các đề nghị tiếp nhận tuyển lao động Việt Nam.
Lao động làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Ước thực hiện cả năm, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2023 là khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022.

Đây là kỷ lục số lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất trừ trước đến nay.

Hiện nay, có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và ngày càng có nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Nhật Bản, Hàn Quốc rộng cửa với lao động Việt

Trong năm 2023, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất. Đặc biệt, phía Nhật Bản vừa thông báo sẽ tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định cho lao động Việt Nam vào đầu năm 2024. Chương trình này sẽ giúp người lao động có cơ hội sang Nhật làm việc với chi phí thấp, nhận mức lương cao như người bản địa.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết năm 2023 đánh dấu mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay. Điều này khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, sự tin tưởng của các nghiệp đoàn, các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng cho thấy lao động Việt rất yên tâm khi đến mảnh đất này.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay có 350.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Hiện có 220.000 thực tập sinh kỹ năng, gồm chương trình phi lợi nhuận do tổ chức IM Japan tổ chức, tiếp nhận trên 9.000 người. Năm 2023 có 700 con em đồng bào dân tộc thiểu số được chương trình tổ chức đi lao động ở Nhật bằng hình thức miễn phí 100%.

Không chỉ triển khai chương trình hợp tác chung giữa hai quốc gia, hợp tác giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Nhật Bản còn mở rộng xuống địa phương. Để bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, năm 2023 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều tỉnh của nước bạn như Chiba, Saitama, Gunma, Kanagawa, Nagano…

Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp triển khai Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” nhằm hỗ trợ người lao động Việt Nam tìm việc phù hợp tại nước ngoài theo đúng nhu cầu nguyện vọng; hỗ trợ người lao động sau khi về nước tiếp cận đầy đủ thông tin việc làm trong nước thông qua tuyển dụng từ các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ tiếp cận tốt hơn với lao động có nhu cầu việc làm…

Tại một thị trường truyền thống cũng rất hấp dẫn với lao động Việt Nam là Hàn Quốc, cơ hội cũng ngày càng rộng mở với các chương trình EPS, visa E7 (tay nghề cao), visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) hay lao động thời vụ và đều tăng hạn ngạch tiếp nhận.

Lao động học tiếng Nhật để sang Nhật bản làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Bà Kim Yoon Hye, Tham tán lao động Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết hai nước khá tương đồng văn hóa, lao động Việt cần cù và có tay nghề cao nên nhu cầu của doanh nghiệp Hàn rất lớn, tập trung các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, đóng tàu. Số lao động các nước cho chương trình EPS năm 2024 dự kiến lớn hơn so với 120.000 của năm 2023 (riêng Việt Nam sẽ có trên 12.000 chỉ tiêu).

Bà Kim Yoon Hye khẳng định lao động Việt có nhiều cách đến Hàn Quốc làm việc qua chương trình EPS, thời vụ, visa E7 song phải tìm hiểu kỹ điều kiện, quy định của các chương trình, yêu cầu ngoại ngữ… Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đang mở rộng các ưu đãi, cho phép chuyển đổi sang thị thực lưu trú dài hạn, cung cấp cơ hội đào tạo nghề cho người lao động nước ngoài đã làm việc lâu dài tại một nơi làm việc, không vi phạm pháp luật... Đây là những lưu ý đối với lao động khi sang Hàn Quốc làm việc.

"Mở cửa" thêm các thị trường hấp dẫn

Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, các thị trường tại châu Âu và Trung Đông cũng sôi động trở lại và đề nghị tiếp nhận, ký các thỏa thuận tuyển lao động Việt Nam.

Điểm sáng của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 là việc tăng cường, mở thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các nước châu Âu. Điển hình là tại Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, trong đó số lượng lao động xuất cảnh năm 2021 là 465 người, năm 2022 là 775 người và đã lên tới 1.148 lao động chỉ trong 9 tháng năm 2023.

Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết ngoài các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, hiện nay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tập trung hướng đi mới, triển khai phát triển thị trường lao động tại một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm các thị trường như: Ba Lan, Slovakia, Croatia...

Một thị trường khác trong khu vực châu Âu cũng đang bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc là Hy Lạp. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã chấp thuận cho 7 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp.

Theo đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng là do các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn; công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi là việc ở nước ngoài được chú trọng.

Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp cũng ngày càng được tăng cường. Đặc biệt, một số địa phương ngày càng quan tâm và đã tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người lao động hoàn thành hợp đồng về nước hòa nhập vào thị trường lao động trong nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục