Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang đứng trước thực tế là dù họ có trong tay tấm bằng tốt nghiệp của những trường đại học hàng đầu Hàn Quốc và trình độ ngoại ngữ tốt, họ vẫn có thể bị từ chối khi nộp đơn xin việc.
Đối mặt với một cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có trong nước, nhiều thanh niên Hàn Quốc đang đăng ký các chương trình do chính phủ tài trợ nhằm tìm kiếm vị trí việc làm ở nước ngoài, giữa bối cảnh số sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Các chương trình do nhà nước khởi xướng như K-move, được triển khai để kết nối người trẻ Hàn Quốc với các vị trí việc làm chất lượng ở 70 quốc gia, đã tìm được việc làm ở nước ngoài cho 5.783 sinh viên tốt nghiệp của Hàn Quốc trong năm 2018, nhiều hơn ba lần so với năm đầu tiên triển khai chương trình là năm 2013.
Gần 1/3 số thanh niên Hàn Quốc đến làm việc ở Nhật Bản, nơi đang trải qua tình trạng thiếu lao động kỷ lục với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 26 năm. Trong khi 1/4 thanh niên Hàn Quốc tới Mỹ, nơi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Tư vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong gần 25 năm.
Không giống như các chương trình tương tự ở những quốc gia khác như Singapore, buộc giới trẻ phải cam kết trở lại và làm việc cho chính phủ tới sáu năm, những người tham dự các chương trình hỗ trợ việc làm của Chính phủ Hàn Quốc không bị ràng buộc phải quay lại quê nhà và cũng không nhất thiết phải làm việc cho nhà nước trong tương lai.
Kim Chul-ju, Phó trưởng khoa của Viện nghiên cứu thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, trong năm 2018, Hàn Quốc kiến tạo việc làm ít nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với 97.000 việc làm.
Cứ 5 thanh niên Hàn Quốc, có gần một thanh niên phải nghỉ việc vào năm 2013, cao hơn mức trung bình 16% của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tính tới tháng Ba năm nay, cứ bốn người Hàn Quốc, có một người ở độ tuổi 15-29 không có việc làm do không được tuyển dụng hoặc thiếu việc làm.
Mặc dù Ấn Độ và các quốc gia khác cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự trong việc tạo việc làm cho lao động lành nghề, song sự thống trị của các tập đoàn do gia đình điều hành tại Hàn Quốc (thường được gọi là chaebol) khiến thị trường việc làm nước này dễ bị tổn thương hơn.
[Lượng người tìm kiếm việc làm tăng cao kỷ lục ở Hàn Quốc]
Mười tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, bao gồm các tên tuổi nổi tiếng thế giới như Samsung và Huyndai, chiếm một nửa tổng vốn hóa thị trường của Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ có 13% lực lượng lao động của Hàn Quốc được các doanh nghiệp (có hơn 250 nhân viên) tuyển dụng, thấp thứ hai trong OECD và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tương ứng 47% tại Nhật Bản.
Dù vậy, đối với những người thoát khỏi thị trường việc làm khắc nghiệt của Hàn Quốc, không phải tất cả đều suôn sẻ. Một số người tìm được việc làm ở nước ngoài với sự giúp đỡ của chính phủ cho biết họ buộc phải nhận các công việc chân tay như rửa chén bát, chế biến thịt.
Các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết họ đang lập một "danh sách đen" các nhà tuyển dụng và cải thiện quy trình kiểm tra để ngăn chặn sự sai lệch thông tin tuyển dụng, điều kiện làm việc và tiền lương.
Bộ Lao động Hàn Quốc cũng thành lập một trung tâm hỗ trợ và tiếp cận thông tin nhằm giải quyết các vấn đề của người lao động Hàn Quốc tại nước ngoài một cách hiệu quả hơn.
Kết quả một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy, gần 90% sinh viên Hàn Quốc tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc với sự hỗ trợ của chính phủ trong giai đoạn 2013-2016 đã không phản hồi các câu hỏi của Bộ Lao động về nơi ở của họ hoặc thay đổi thông tin liên lạc.
Tuy nhiên, thị trường việc làm khó khăn trong nước vẫn khiến nhiều người Hàn Quốc tìm tới các chương trình hỗ trợ việc làm hàng năm.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã tăng ngân sách để hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm việc làm của thanh niên từ 57,4 tỷ won (khoảng 48,9 triệu USD) năm 2015 lên 76,8 tỷ won vào năm 2018./.