Xuất khẩu lao động đi Đài Loan: Giảm chi phí, mở cửa lại hai nghề

Thị trường Đài Loan sẽ vẫn là cánh cửa rộng mở với lao động Việt Nam khi chi phí đi làm việc tại thị trường này sẽ tiếp tục giảm, Đài Loan cũng đang xem xét mở cửa lại với lao động gia đình và ngư dân
Xuất khẩu lao động đi Đài Loan: Giảm chi phí, mở cửa lại hai nghề ảnh 1Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết sẽ xem xét tiếp tục giảm chi phí cho lao động đi Đài Loan làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đài Loan đang xem xét mở cửa tiếp nhận lại lao động giúp việc gia đình và ngư dân đánh cá gần bờ của Việt Nam. Như vậy, cánh cửa xuất khẩu lao động đi thị trường này lại càng rộng mở với lao động Việt Nam hơn. Phóng viên VietnamPlus đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về những thay đổi của thị trường xuất khẩu lao động đi Đài Loan trong thời gian tới.

- Đài Loan(Trung Quốc) đang xem xét mở cửa tiếp nhận lại lao động đánh bắt cá gần bờ và giúp việc gia đình, xin ông cho biết tại sao trước đó hai ngành nghề này lại dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, phía Việt Nam sẽ phải chuẩn bị gì cho việc đưa lao động trong hai nghề trên trở lại thị trường này?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Năm 2004 và 2005, do tỷ lệ lao động Việt Nam sang Đài Loan(Trung Quốc) làm công việc đánh bắt cá gần bờ và lao động chăm sóc người bệnh, giúp việc trong gia đình bỏ trốn nhiều nên phía Đài Loan (Trung Quốc) đã tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam vào Đài Loan (Trung Quốc) làm việc trong hai nghề trên.

Giai đoạn trước năm 2005, lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan đại đa số là lao động gia đình (chiếm 80% tổng số lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan). Sau đó, lao động này giảm dần do việc dừng tiếp nhận của thị trường này, chúng ta đã đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc nhà máy và đến nay số lượng lao động làm việc trong các nhà máy công nghiệp của ta chiếm khoảng 87% tổng số lao động tại Đài Loan (Trung Quốc).

Trong thời gian tới, cơ hội việc làm trong môi trường làm việc công nghiệp hiện đại (công nhân nhà máy) tại Đài Loan đối với lao động Việt Nam vẫn tương đối dồi dào. Nếu việc tiếp nhận lao động tàu cá gần bờ và lao động gia đình được khôi phục trở lại sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho một bộ phận lao động có nghề đánh bắt cá biển và lao động nữ nông thôn có độ tuổi trung niên.

Tuy nhiên, đối với hai ngành nghề trên có những yêu cầu đặc thù nhất định như phải có nghề hoặc phải được đào tạo kỹ năng nghề tốt trước khi vào làm việc. Đặc biệt, với lao động giúp việc gia đình, việc tuyển chọn và đào tạo cần phải được chuẩn bị tốt hơn giai đoạn trước.

Trong thời gian tới, đại diện hai nước sẽ đàm phán, thỏa thuận về các điều kiện để Đài Loan tiếp nhận lại lao động giúp việc gia đình và ngư dân đánh cá gần bờ.

- Tỷ lệ bỏ trốn cao là nguyên nhân khiến Đài Loan đóng cửa với lao động Việt Nam, vậy xin ông cho biết, so với những năm 2004, 2005 thì đã có những thay đổi gì về quản lý nhà nước đối với thị trường này?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh:Việt Nam đưa lao động vào Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 1999, đến nay sau 16 năm thực hiện, thị trườngnày luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động của ta, tuy nhiên với từng giai đoạn, đối tượng ngành nghề đưa đi có khác nhau thì biện pháp quản lý, điều hành thị trường sẽ có khác nhau.

Do đặc thù của thị trường có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp của các nước cùng đưa lao động vào Đài Loan, cũng như cạnh tranh giữa các doanh nghiệp môi giới, dịch vụ của Việt Nam hoặc Đài Loan mà chi phí thường bị đẩy lên cao hơn so với quy định. Trước thực trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề ra lộ trình giảm phí thực trên thị trường Đài Loan.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã quy định tổng các loại chi phí tối đa cho hợp đồng đi làm việc ở Đài Loan trong 3 năm là 4.500 USD/lao động nhà máy và 3.800 USD/lao động gia đình hoặc lao động trại dưỡng lão, thực hiện từ 01/4/2012. Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm phí, từ 01/2/2014, Bộ tiếp tục giảm mức phí xuống mức 4.000 USD/lao động nhà máy và 3.300 USD/lao động gia đình thực hiện.

Cùng với việc quy định về chi phí, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội còn đề ra các biện pháp quản lý, điều hành thị trường, giảm tình trạng lao động bỏ trốn. Đặc biệt, trong năm 2014, Bộ đã xử lý tạm dừng hàng loạt các công ty có lao động khiếu nại về phí, yêu cầu giải quyết và giải trình rõ về nội dung khiếu nại…

Xuất khẩu lao động đi Đài Loan: Giảm chi phí, mở cửa lại hai nghề ảnh 2Ngư dân đánh bắt cá gần bờ sẽ có thể được sang Đài Loan làm việc. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Có thể nói các biện pháp thực hiện trong thời gian qua là mới và quyết liệt so với giai đoạn trước năm 2005, hiệu quả tác động vào thị trường rõ rệt hơn. Các công ty phải thực hiện đăng ký hợp đồng đầy đủ, chú trọng hơn việc đào tạo lao động trước khi đi, việc giải quyết khiếu nại kịp thời và triệt để hơn, và nhìn chung mức chi phí trên thị trường đã giảm xuống.

-Thu nhập và chi phí luôn là vấn đề người lao động quan tâm, vậy hiện nay đi làm giúp việc gia đình, ngư dân đánh bắt cá gần bờ tại Đài Loan có thu nhập và chi phí là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo quy định hiện hành của cả hai nước hiện nay thì tiền lương của lao động nước ngoài làm việc trong các gia đình Đài Loan (Trung Quốc) là 15.840 Đài tệ/tháng (khoảng 500 USD), lao động thuyền viên tàu cá là 19.273 Đài tệ/tháng (khoảng 600 USD).

Chi phí của lao động gia đình được quy định cụ thể, theo đó phí dịch vụ (cho công ty Việt Nam) là mỗi năm 1 tháng lương cơ bản cho các loại ngành nghề, phí môi giới (cho đối tác môi giới nước ngoài) là 800 USD/hợp đồng. Còn phí môi giới cho ngành nghề thuyền viên tàu cá gần bờ chưa có quy định, chúng tôi dự kiến áp dụng như ngành nghề thuyền viên tàu cá xa bờ là mức bằng 0. Các chi phí thủ tục khác (vé, visa, khám sức khỏe…) cơ bản như các ngành nghề khác.

- Trước đó, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã thông báo sẽ giảm chi phí đi Đài Loan theo từng năm, xin ông cho biết năm 2015 có tiếp tục điều chỉnh giảm chi phí đi thị trường này không?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Việc điều chỉnh chi phí sẽ căn cứ theo kết quả thực hiện của các biện pháp cải thiện thị trường, đồng thời phải đánh giá tính khả thi đối với các bước điều chỉnh. Năm nay, nếu các biện pháp chấn chỉnh và quản lý phát huy hiệu quả tốt, không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh chi phí đi thị trường Đài Loan./.

- Xin cảm ơn ông!/.

Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam sang làm việc nhất trong năm 2014, chiếm tới hơn 60% lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2014, tổng số lao động đưa đi Đài Loan khoảng 60.000 lượt lao động, đây là mức cao nhất mà chúng ta đạt được tại thị trường này trong những năm qua.

Hiện nay, Đài Loan hiện đang tiếp nhận lao động nước ngoài từ 4 nước chính trong ASEAN là: Việt Nam, Indonesia, Philippine và Thái Lan./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục