Bài 2: Tập trung hỗ trợ người dân huyện nghèo đi xuất khẩu lao động
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2009 đến nay, có hơn 7.000 lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, mang về hơn 2.000 tỷ đồng cho các địa phương khó khăn.
Tuy nhiên, con số này được xem là ít cho dù đây là nhóm đối tượng được hưởng rất nhiều hỗ trợ từ chính sách.
Người dân càng khó càng không mặn mà với xuất khẩu lao động
Ông Lê Văn Khiêm, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà, Lào Cai cho biết cả huyện có 15 lao động đăng ký đi lao động ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Xuất thân từ huyện nghèo, bà con chủ yếu là người dân tộc, làm nông nghiệp nên hầu hết lao động chỉ mong muốn đi làm việc ở nước ngoài trong ngành nông nghiệp.
“Làm việc trong ngành nông nghiệp cũng phù hợp với đặc điểm điều kiện kinh tế địa phương vì sau khi trở về, lao động có thể áp dụng kiến thức, kinh nghiệm sẵn có vào phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương,” ông Khiêm nói.
[Bài 1: Những thanh niên 'giàu có' khi trở về quê cũ]
Theo chính sách riêng cho người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo: Khi đi làm việc ở nước ngoài, họ sẽ được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo: 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) mức 600.000 đồng/người. Với nhiều chính sách hỗ trợ, thế nhưng số lượng lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn ít.
Nhưng trên thực tế, theo ông Khiêm, hầu hết lao động đi làm việc ở nước ngoài người Bắc Hà có trình độ học vấn, kinh tế tốt. Với các vùng khó khăn, bà con vẫn e dè, không mấy mặn mà việc đi xuất khẩu lao động.
Nhìn trên bức tranh toàn thể, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thừa nhận: “Người lao động huyện nghèo được hỗ trợ từ làm thủ tục đến các chi phí đào tạo, học ngoại ngữ, học nghề, khám sức khỏe… và cho vay toàn bộ chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng qua khảo sát ở một số địa phương, tỷ lệ lao động huyện nghèo đi rất ít mặc dù chính sách đã là rất tốt.”
Tiếp tục hỗ trợ lao động huyện nghèo
Thực tế thời gian qua, rất nhiều người lao động thuộc các huyện nghèo sau khi xuất khẩu lao động về đã có khoản tiền tích lũy để nâng cao đời sống. Ngoài ra, nhiều người đã tìm được công việc phù hợp ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hoặc khởi nghiệp thành công ngay tại quê hương.
Những năm gần đây, thị trường lao động còn ngày càng rộng mở đối với đối tượng lao động thuộc huyện nghèo. Cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao đối với nhóm đối tượng này ngày càng nhiều hơn, các cơ quan chức năng cũng tập trung vào các giải pháp khuyến khích, tăng số lượng đi làm việc ở nước ngoài như một giải pháp giảm nghèo, tạo sinh kế hiệu quả.
[Phục hồi nhanh chóng sau COVID-19, xuất khẩu lao động 'về đích' sớm]
Ông Nguyễn Gia Liêm chia sẻ trước đây, chủ yếu người lao động huyện nghèo thường đi làm việc tại thị trường Trung Đông và Malaysia vì các thị trường này chi phí thấp, yêu cầu thấp nhưng đến nay lao động đã có thêm nhiều cơ hội đi làm việc tại các thị trường tốt như: Nhật Bản, Hàn Quốc...
Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang triển khai một số các đơn đặt hàng ưu tiên cho những huyện nghèo. Theo đó, các lao động này có thể tham gia các chương trình phi lợi nhuận như: Đi Nhật Bản qua chương trình IM Japan, Hàn Quốc qua chương trình EPS… Mới đây, Chương trình phái cử ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản (Chương trình EPA) cũng ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn....
Bên cạnh các chương trình đang được triển khai, Bộ Lao động-Thương binh và Lao động Xã hội đang tiến hành đàm phán, mở rộng thị trường để lao động tại các huyện nghèo, vùng khó khăn được đi làm việc tại những thị trường có thu nhập cao.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, mở rộng thị trường thì đối với các huyện nghèo việc đẩy mạnh tuyên truyền cần được đặc biệt chú trọng bởi người dân tại các khu vực này còn rất thiếu thông tin về xuất khẩu lao động.
“Thực tế đi khảo sát ở các địa phương chúng tôi nhận thấy một số cán bộ chưa hiểu đúng lắm về các chương trình, chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi mong muốn các cán bộ hướng dẫn rõ ràng để lao động hiểu rõ hơn về các thủ tục, thông tin về các thị trường…,” ông Nguyễn Gia Liêm nói.
Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, quy định, đặc biệt là đơn giản hoá các thủ tục để lợi cho người dân tiếp cận chính sách. Các giải pháp về chính sách hỗ trợ, mở rộng thị trường các thị trường việc làm tốt, đẩy mạnh tuyên truyền sẽ được thực hiện đồng thời để có thể hỗ trợ tốt nhất lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, giúp họ thoát nghèo nhanh và bền vững./.