Bài 1: Những thanh niên nghèo 'giàu có' khi trở về quê cũ

Xuất khẩu lao động: 'Con đường thoát nghèo' của người dân vùng khó

Hoàn cảnh khó khăn khiến những lao động huyện nghèo quyết định đi làm việc ở nước ngoài, để rồi khi trở về họ không chỉ thoát nghèo mà còn giàu kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, địa phương.
Nhờ những kỹ năng học hỏi được khi làm việc ở Hàn Quốc, anh Gió đã thành công xây dựng được trang trại của riêng mình khi trở về quê hương. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Phần lớn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều có thu nhập tốt và nhiều gia đình đã thoát nghèo từ việc đi xuất khẩu lao động.

Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc xuất khẩu lao động không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững mà còn tạo ra cơ hội làm giàu cho nhiều người, đóng góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật cho lao động.

Bài 1: Những thanh niên 'giàu có' khi trở về quê cũ

Vượt qua cuộc sống xa nhà, môi trường khác biệt..., những thanh niên vùng khó đi xuất khẩu lao động trở về quê hương không chỉ 'bỏ túi' vài trăm triệu đồng mà còn cho rất nhiều kỹ năng mới mẻ, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Con đường thoát nghèo

Cách đây 3 năm, gia đình anh Hoàng Văn Lập (27 tuổi), người dân tộc Thái tại xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn là một trong những hộ nghèo trong làng. Khó khăn lại càng chồng chất khi gia đình vay tiền cho Lập học Đại học Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa.

Học xong, Lập đi vẽ tranh tường, trang trí thi công nội/ngoại thất ở Thanh Hóa, thu nhập khoảng 7-9 triệu đồng/tháng. Số tiền đủ để chi tiêu cá nhân, nhưng giúp gia đình trả nợ, thoát nghèo, có đồng vốn để phát triển kinh tế thì có lẽ sẽ phải tích góp rất lâu. Lập quyết định tìm một con đường mới để giúp gia đình thoát nghèo.

Lập chia sẻ: "Ra trường em làm nhiều việc nhưng cuộc sống gia đình vẫn mãi không hết khó khăn. Sau đó, thông qua một người quen được giới thiệu IM Japan - một chương trình phi lợi nhuận, ưu tiên đưa lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài nên không mất chi phí nhiều. Em quyết định đăng ký đi theo từ năm 2019.”

Sang Nhật Bản, Lập làm về lĩnh vực xây dựng, chống thấm nước. Công việc mang lại cho Lập thu nhập 32-35 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca. Trừ hết chi phí, mỗi tháng Lập để dành được hơn 20 triệu gửi về nhà. Từ số tiền này, bố mẹ lập tăng gia sản xuất, chăn nuôi bò, trồng cây keo, những khi vào mùa vụ có thể thuê máy móc, thuê người làm, công việc năng suất cao hơn mà cũng vơi đi nhiều khó khăn, vất vả.

Lập trang trí ngôi nhà vừa xây cho bố mẹ sau khi đi xuất khẩu lao động về. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Đầu năm 2022, sau khi hết hạn hợp đồng, Lập về nước. Chàng trai người dân tộc Thái sau khi phụ bố mẹ trả hết nợ vẫn tích lũy được 700 triệu đồng. Lập trích 500 triệu đồng xây nhà cho bố mẹ để gia đình không phải thấp thỏm mỗi khi mùa mưa bão đến. Nhìn ngôi nhà khang trang gần nhất làng, khó có thể hình dung chỉ mới năm trước đây thôi, gia đình Lập vẫn còn sống trong căn nhà gỗ liêu xiêu dựng tạm trong mảnh vườn của ông bà nội. Cô em gái đang học lớp 9 của Lập cũng nhờ đó mà có nhiều cơ hội học hành để có một tương lai tốt hơn.

Sau khi xây nhà, giúp bố mẹ có vốn liếng phát triển kinh tế ổn định, Lập lại nuôi ước mơ kiếm được tiền mở xưởng làm trang trí nội, ngoại thất ngay tại quê hương. Lập dự định sẽ quay trở lại Nhật Bản làm việc thêm 2-3 năm nữa để tích góp tiền thực hiện ước mơ khởi nghiệp.

Giàu kỹ năng khi trở về

Xuất khẩu lao động không chỉ giúp nhiều gia đình thoát nghèo nhanh mà còn giúp lao động huyện nghèo có thêm kiến thức, kỹ năng để thay đổi tập quán canh tác cũ, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Thay vì chỉ làm nông đơn thuần, người lao động khi trở về còn năng động hơn khi lồng ghép kinh doanh dịch vụ du lịch. Câu chuyện của anh Vũ Đình Gió (34 tuổi, ở xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai) là một điển hình thành công khi mang kiến thức học hỏi từ Hàn Quốc trở về quê hương khởi nghiệp.

Từng là hộ nghèo ở xã, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành du lịch, anh Gió đi làm nhưng lương thấp, không đủ giúp đỡ gia đình. Mong muốn làm kinh tế để có thể thoát nghèo sẽ khó có thể thực hiện được nếu tiếp tục công việc, anh Gió quyết định nghỉ việc, học tiếng Hàn và đi xuất khẩu lao động theo ngành nông nghiệp.

Sau gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, cuối năm 2019, anh Gió trở về nước, bắt đầu thành gia, lập nghiệp. Số tiền tích góp sau bao năm làm việc, Gió mua hẳn một vạt đồi rồi cải tạo để trồng dâu và rau xà lách, cà chua theo mùa vụ. 

Tất cả những kỹ năng, kiến thức mà anh Gió học được trong suốt thời gian làm nông nghiệp ở xứ Kim chi được ứng dụng triệt để trên sườn đồi đã được cải tạo bậc thang. Từ cây giống, kỹ thuật chăm bón đều được anh Gió áp dụng đúng như thời gian làm việc bên Hàn Quốc và được chủ sử dụng đào tạo, hướng dẫn

Khó khăn ngay lập tức đến với anh Gió ngay từ vụ trồng dây tâu đầu tiên khiến anh Gió thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Dù áp dụng đúng kỹ thuật đã được đào tạo, thực hành suốt bao năm nhưng cây dâu tây trong vườn vẫn còi cọc, chết dần.

Không nản chí, anh Gió vận dụng mọi kỹ năng, kiến thức học được ở Hàn Quốc để phân tích, tìm ra nguyên nhân. Khi biết do sự khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu và cần phải điều chỉnh việc tưới nước, tỷ lệ phân bón…, anh Gió lại tự tin bắt đầu mùa vụ mới và đã gặt hái được những “trái ngọt” đầu tiên.

Anh Gió chia sẻ dù có mấy năm kinh nghiệm rồi nhưng phải mất 1,2 lần thất bại mới rút ra được quy trình sản xuất chuẩn, phù hợp với giống cây, thổ nhưỡng, khí hậu để cây dâu tây phát triển tốt.

“Diện tích trồng dâu hiện tại của tôi mỗi năm cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả. Trừ hết chi phí, mỗi năm vườn dâu của tôi mang về hơn 300 triệu đồng," anh Gió hồ hởi.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng dâu tây, anh Gió còn trồng gối vụ rau cải, xà lách, cà chua để đem lại thu nhập ổn định. Anh Gió còn dự định sẽ mở rộng mô hình trồng dâu, thành lập nhà nuôi cấy và sản xuất cây giống, xây dựng trang trại theo hướng vừa sản xuất vừa làm du lịch cộng đồng theo mùa vụ.

“Vườn dâu tây của tôi đã đón khách tham gian được 1-2 mùa, đánh giá, phản hồi của khách cũng rất tốt. Lượng khách đông nên mùa dâu tây gần nhất tôi chỉ bán tại vườn chứ không đủ để bán ra ngoài,” anh Gió nói. 

Mô hình trồng dâu tây không trong nhà kính tận dụng khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để trồng ra những quả dâu chất lượng của anh Gió thành công khiến ngay cả chủ trang trại người Hàn Quốc - nơi Gió từng làm việc - khi thăm trang trại của anh ở Bắc Hà cũng bất ngờ với cách thức gieo trồng kết hợp cả công nghệ và truyền thống. 

Không dừng lại ở vườn dâu tây, vườn rau, anh Gió vẫn mong  muốn có cơ hội tiếp tục đi làm việc tại Hàn Quốc để  học hỏi thêm một số kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp hiện đại về áp dụng cho sản xuất kinh doanh.

Quyết định đi xuất khẩu lao động đã thay đổi hoàn toàn không chỉ cuộc đời anh Lập và anh Gió mà còn của cả hai gia đình. Những thanh niên nghèo khi ra đi khi trở về không chỉ có cuộc sống tốt hơn mà còn giàu kỹ năng, kiến thức để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Việc thúc đẩy đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đã trở thành giải pháp giảm nghèo hiệu quả và cần có những chính sách, thị trường phù hợp để có thế triển khai hiệu quả giải pháp này./.

Bài 2: Tập trung hỗ trợ người dân huyện nghèo đi xuất khẩu lao động

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục