Xuất khẩu khởi sắc, cả năm có thể cán đích 133,5 tỷ USD

Với dấu hiệu khởi sắc như hiện nay Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm 2013 có thể cán đích 133,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với kế hoạch năm.

Hoàn thành 96% mục tiêu kế hoạch đề ra chỉ trong 11 tháng đầu năm, lĩnh vực xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh kinh tế của cả nước.

Theo Bộ Công Thương, với những dấu hiệu khởi sắc trong tháng Mười Hai, Bộ Công Thương dự báo cả năm 2013 có thể cán đích 133,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với kế hoạch năm.

Khối FDI tiếp tục xuất siêu mạnh

Tại cuộc giao ban sản xuất kinh doanh ngày 2/12, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 121 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ.

Như vậy, so với mục tiêu đã đề ra cho cả năm 2013 là 126,1 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước hiện chỉ còn cách đích hơn 5 tỷ USD.

Đóng góp quan trọng vào kết quả trên là nhóm hàng công nghiệp chế biến khi đem về tới 85,5 tỷ USD. Riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, qua 11 tháng xuất khẩu mặt hàng này đã đem về 20,2 tỷ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực (vượt qua cả dệt may) đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Đứng vị trí thứ hai là mặt hàng dệt may với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 16,4 tỷ USD, tăng 19,7%; ngoài ra các mặt hàng khác như điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng 41,6%; giày dép đạt 7,4 tỷ USD, tăng 14,2%...

"Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng rất mạnh, trong tổng số 121,023 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu chung thì khối này đã đạt hơn 74,56 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ," ông Vỵ nói.

Điểm lưu ý trong bức tranh xuất khẩu 11 tháng qua, theo ông Vỵ, đó là giảm dần việc xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản. Cụ thể, qua 11 tháng nhóm này xuất khẩu ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 18,7%; trong đó: Than đá giảm 28,7%; dầu thô giảm 14,4%; xăng dầu các loại giảm 34,9%; quặng và khoáng sản khác tăng 10,1%.

Cũng theo người đứng đầu Vụ Kế hoạch, tất cả các thị trường xuất khẩu đều ghi nhận mức tăng về giá trị, trong đó châu Á tăng 12,9%, châu Âu tăng 21,6% (trong đó: EU tăng 22,4%) và sang thị trường châu Mỹ tăng 28,2% còn châu Phi cũng tăng 12,9%...

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11/2013 ước đạt 12,2 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 121,1 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Nếu tính tháng Mười Một, cả nước xuất siêu 50 triệu USD, bằng 0,41% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng thì nhập siêu 96 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu.

"Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc, nếu không kể dầu thô khu vực FDI xuất siêu khoảng 5,6 tỷ USD," ông Vỵ cho hay.

Xuất khẩu 133,5 tỷ USD sắp thành hiện thực

Đánh giá bức tranh xuất nhập khẩu 11 tháng qua, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu vẫn còn nhiều cơ hội để bứt phát và đạt được kết quả cao nhất từ trước đến nay. Ước tính tháng Mười Hai, kim ngạch xuất khẩu có khả năng đạt 12,5 tỷ USD.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì kết thúc năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước có thể đạt khoảng 133,5 tỷ, tăng 16,6% so với kế hoạch để ra từ đầu năm và kiểm soát nhập siêu có thể quanh mức 300 triệu USD.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước cũng đang đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm và mức tăng trưởng trong 11 tháng qua cũng ở con số là 3%, trong khi cùng kì năm trước chỉ tăng 0,8%.

Những con số ấn tượng trên đã phần nào cho thấy các giải pháp và chính sách của Nhà nước đã phát huy hiệu quả, đồng thời sẽ tiếp tục tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm, tỷ giá và thị trường ngoại hối dần đi vào quỹ đạo ổn định, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến kế hoạch đề ra trong các năm tiếp theo, do vậy ưu tiên cao nhất của Bộ Công Thương là bắt tay ngay vào giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong tháng Mười Một đã triển khai các chương trình làm việc với các hiệp hội ngành hàng để tìm ra giải pháp điều hành cho tháng cuối năm và cả năm 2014 với nhiều giải pháp cụ thể và quyết liệt như cấp CO GSP cho sản phẩm giày dép xuất khẩu vào thị trường EU từ 2014. Hướng dẫn nghị định 187/CP về buôn bán làm ăn với nước ngoài...

Bên cạnh đó, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nhất là hoàn chỉnh hệ thống logistic, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Giao Thông tổ chức hội nghị kho vận ngoại thương với doanh nghiệp, sắp tới sẽ trình Thủ tướng ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạng lưới giao nhận cảng biển.

Liên quan đến xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Hiệp hội lương thực, Bộ Công Thương sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thành lập quỹ hỗ trợ xuất nhập khẩu, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân.

"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo sát và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và là đầu mối triển khai chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2020-2030," lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục