Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) ký kết cuối tháng 7 vừa qua đã mở ra cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang một thị trường quan trọng ở Trung Đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về gian lận và nguy cơ lừa đảo, các doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ thông tin và kỹ năng cần thiết để có thể tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh cũng như tận dụng được những cơ hội mà hiệp định mang lại.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Trung Đông liên quan đến những rủi ro trong thương mại quốc tế như nguy cơ lừa đảo, gian lận thương mại giống như vụ 4 container nông sản xuất sang Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có nguy cơ không được thanh toán hay vụ hạt điều xuất khẩu sang Italy trước đây, ông Lê Thái Hòa, Tham tán thương mại phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Israel, cho rằng hoạt động trong môi trường thương mại quốc tế luôn có những mặt thuận lợi và tiềm ẩn rủi ro ở bất cứ thị trường nào, đặc biệt lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn.
Các vụ việc, hiện tượng lừa đảo hoặc tranh chấp thương mại phát sinh trong thực tế là không thể tránh khỏi, nếu như doanh nghiệp không nắm chắc các nghiệp vụ về ngoại thương và không có đủ thông tin chuẩn xác về đối tác bạn hàng.
Theo ông Lê Thái Hòa, nhìn chung, các doanh nghiệp Israel kinh doanh năng động, thích ứng nhanh với biến động thị trường, làm ăn khá bài bản và nghiêm túc, giao dịch nhanh; luôn chủ động tìm kiếm đối tác bạn hàng qua nhiều kênh khác nhau; có nhu cầu đa dạng và sức mua ổn định, khả năng thanh toán cao và cơ bản sòng phẳng.
[Hiệp định VIFTA: Mở thêm ‘cánh cửa’ cho hoạt động xuất khẩu Việt Nam]
Doanh nghiệp Israel sẵn sàng đặt cọc hoặc trả tiền trước, thích gặp gỡ trực tiếp đối tác bạn hàng và đến tận nơi xem hàng hóa tại nhà máy sản xuất, thường tiếp cận đối tác cung cấp riêng biệt theo nhóm lẻ và tránh đi theo nhóm đông, muốn mua hàng trực tiếp của nhà sản xuất và không muốn qua trung gian.
Ông Lê Thái Hòa nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch, làm ăn với các đối tác tại thị trường Israel cần tìm hiểu kỹ thông tin, trong trường hợp cần thiết sẽ cần phải thẩm tra xác minh tư cách pháp nhân của đối tác.
Thương vụ có thể hỗ trợ để thực hiện việc thẩm tra, nhất là với những bạn hàng mới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nắm vững về kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương, tập quán và thông lệ thực tiễn trong thương mại quốc tế; ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu với các nội dung chặt chẽ về các điều khoản thanh toán, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, bao bì đóng gói, thời hạn giao hàng, giải quyết tranh chấp…
Để hoạt động xuất khẩu sang Israel đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, có giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp; trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng người mua Israel; tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của Israel mới ban hành.
Ngoài ra cần chủ động tích cực khảo sát, tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được tổ chức tại Israel, trực tiếp gặp gỡ đối tác bạn hàng để phát hiện ra nhu cầu hợp tác của nhau.
Bên cạnh đó, cần lưu ý Israel là một thị trường với nhiều đặc điểm, đặc thù về con người và tôn giáo. Các doanh nghiệp người Do Thái thường yêu cầu người xuất khẩu phải có chứng nhận Kosher, trong khi các doanh nghiệp người Arab có thể yêu cầu người xuất khẩu phải có chứng nhận Halal đối với một số chủng loại hàng hóa nhất định, nhất là lương thực, thực phẩm.
Đây là hai loại chứng nhận mang tính chất tôn giáo và thường phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của người nhập khẩu theo từng lần giao dịch hoặc từng lô hàng mua bán.
Do vậy các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về tập quán, quy định và thị hiếu thị trường để tránh gặp phải rào cản không đáng có khi thâm nhập thị trường này.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị tại Israel, do đây là địa bàn nhạy cảm về các xung đột và bất ổn có ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.
Để góp phần thúc đẩy VIFTA sớm đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, Thương vụ dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhắm tới các đối tượng là các tổ chức hữu quan, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại thị trường Israel, bao gồm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thông qua phương tiện báo chí truyền thông và tổ chức các hội thảo doanh nghiệp, cung cấp thông tin về tầm quan trọng của hiệp định đối với quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, du lịch… giữa hai nước nói chung và đối với thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên nói riêng.
Sau khi VIFTA được các cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước hoàn tất thủ tục pháp lý và công bố hiệu lực thi hành, Thương vụ sẽ phối hợp với đơn vị đầu mối trong nước của Bộ Công Thương phổ biến về nội dung hiệp định cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối hợp tác giao thương, vận động tổ chức các đoàn doanh nghiệp Israel sang Việt Nam gặp gỡ đối tác bạn hàng, trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng mua hàng từ Việt Nam.
Qua đó sẽ tận dụng những ưu đãi mà hiệp định mang lại, nhất là đối với những ưu đãi về thuế quan dành cho các mặt hàng xuất khẩu cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh như đã nêu.
Hiện tại, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel có tính chất bổ sung cho nhau.
Những mặt hàng Israel cần nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và ngược lại. Mỗi năm có khoảng trên dưới 70 diện mặt hàng các loại của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel.
Xét trên dung lượng thị trường, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Israel/quy mô xấp xỉ 10 triệu người dân sở tại hàng năm đạt tỷ lệ khá cao.
Do không có sẵn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế về nguồn lực nhân công sản xuất, hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.
Hiện các doanh nghiệp Israel ngày càng quan tâm tới thị trường và đối tác Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp hàng hóa ổn định quan trọng tại châu Á, nhất là đối với nhóm hàng điện thoại di động, nông sản (hạt điều, cà phê, gia vị…), thủy hải sản (tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra...), lương thực thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng gia dụng (thiết bị đồ dùng nhà bếp, máy hút bụi…), máy móc thiết bị điện, sản phẩm và thiết bị điện tử (thiết bị văn phòng, máy in, máy photocopy…), hàng tiêu dùng (quần áo, giày dép…), bánh kẹo, trái cây chế biến sấy khô và đóng hộp…. để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.
Bên cạnh đó, theo nội dung đàm phán trong VIFTA, cụ thể một số mặt hàng nông sản như trứng gà, thịt, khoai tây, cà rốt, súp lơ, nấm, mật ong, cá ngừ… được Israel dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất trong hạn ngạch là 0%; các mặt hàng thời trang, giày dép gia công và thành phẩm thuộc nhóm HS từ 61-64 hầu hết đều được miễn thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực, trong khi các mặt hàng thời trang, giày dép thể thao hầu hết có lộ trình xoá bỏ thuế quan trong vòng 3-5 năm.
Xu hướng trong thực tế, những nhóm mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao này sẽ tiếp tục có chỗ đứng ổn định, được người tiêu dùng Israel đánh giá cao và có khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Israel trong thời gian tới.
Theo ông Lê Thái Hòa, những năm gần đây, tại Israel thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung mặt hàng bơ sữa các loại, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao và sản xuất trong nước không đáp ứng đủ.
Vì vậy, Chính phủ Israel phải liên tục điều chỉnh các chính sách thương mại về nhập khẩu đối với mặt hàng này, áp dụng chủ yếu là bãi bỏ thuế nhập khẩu và hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng bơ sữa để tăng nguồn cung.
Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng bơ sữa sang Israel trong thời gian tới./.