Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2/2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm khá mạnh so với tháng đầu năm.
Con số ước tính đưa ra thì mức giảm lên tới 30,5% so với tháng trước do các hoạt động mua bán xuất nhập khẩu hầu hết đều được tạm hoãn để các doanh nghiệp, người dân đón Tết.
[Hai tháng đầu năm, xuất khẩu cả nước ước đạt 36,68 tỷ USD]
Xuất khẩu nhóm nông, lâm sản giảm mạnh
Với số ngày làm việc khoảng 20 ngày, nên trong tháng Hai, xuất khẩu chỉ đem về khoảng 14,6 tỷ USD, giảm 33,9% so với tháng trước.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong tháng Hai giảm tới 49,1% so với tháng trước khi đem về khoảng 1,15 tỷ USD. Còn tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 3,41 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Bộ Công Thương, trong nhóm này chỉ có 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là chè, thủy sản và cao su. Tuy vậy lại có 6/9 mặt hàng giảm so với 2 tháng của năm 2018.
Đơn cử, mặt hàng rau quả giảm 14,4%, hạt điều giảm 21%, càphê giảm 26,9%, gạo giảm 17,5%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 8,9%, hạt tiêu giảm 20,6% về kim ngạch dù lượng tăng 7,8%.
Còn về giá, nhiều mặt hàng cũng giảm mạnh, như hạt điều giảm 19,1%, càphê giảm 9,2%, hạt tiêu giảm 26,3%, gạo giảm 13,3%, cao su giảm 13%.
Như vậy, cùng với kết quả của tháng Một, sau 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 10,72 tỷ USD, tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,96 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
“Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động thương mại của Việt Nam với mức tăng trưởng 9,9%, cao hơn so với tăng trưởng 4,3% của khối doanh nghiệp FDI,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
- Biểu đồ xuất nhập khẩu trong tháng 2/2019:
Dù vậy, tổng hợp báo cáo tài chính của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ năm 2011- 2017 cho thấy, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của khối này duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận.
Riêng năm 2017, doanh thu tăng 28% so với năm 2016, cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu (14%) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI rất thuận lợi.
Bộ Công Thương cho biết, xét về tổng thể thì khối doanh nghiệp FDI vẫn đang là khu vực kinh tế có đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chung khi chiếm tới 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Nhập siêu 84 triệu USD trong hai tháng
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Hai ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 27,1% so với tháng trước.
Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2/2019, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu khoảng 6,2 tỷ USD, giảm 31,8% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,3 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cập nhật số liệu từ phía cơ quan này cho thấy, nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm mạnh trong tháng, nhất là điện tử, máy tính và linh kiện giảm 10,1%. Ngoài ra, điện thoại và linh kiện giảm 22,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 37%.
Cộng dồn từ tháng Một, thì sau 2 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu cả nước ước đạt 36,76 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,29 tỷ USD, tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,47 tỷ USD, tăng 5,1%.
Với kết quả trên, Bộ Công Thương cho biết, trong 2 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu khoảng 84 triệu USD.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai việc đưa hàng hoá của Việt Nam vào các kênh phân phối lớn trên toàn thế giới hiện đã có sự hợp tác ở Việt Nam.
Đơn cử là việc ký hợp tác giữa Bộ Công Thương với Tập đoàn AEON của Nhật Bản, dự kiến đến năm 2020, tập đoàn này sẽ tiêu thụ 500 triệu USD/năm hàng của Việt Nam và nâng lên 1 tỷ USD vào 2025.
“Bộ Công Thương đang phối hợp với các chuyên gia AEON lựa chọn các mặt hàng Việt Nam để đưa vào hệ thống phân phối của họ. Đây là việc có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu với chi phí hợp lý,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay./.