Xuất khẩu gạo: ‘Tận dụng thời cơ nhưng phải giữ an ninh lương thực’

Với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Xuất khẩu gạo: ‘Tận dụng thời cơ nhưng phải giữ an ninh lương thực’ ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trị Hội nghị về xuất khẩu gạo tại thành phố Cần Thơ ngày 4/8. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương và phải gắn với giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia.

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại “Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm,” diễn ra sáng 4/8, tại Cần Thơ.

Giá thóc gạo của Việt Nam tăng lên mức kỷ lục

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Với kết quả hiện nay, xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; trong đó châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.

[Tín hiệu vui và bài toán đảm bảo an ninh lương thực]

Ngoài ra, một số thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022. Đơn cử, Philippines hiện là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 (tương đương xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm trên 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677,4 nghìn tấn), tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022…

Cũng theo ông Đông, trong quý 1/2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao, dao động khoảng 450 USD/tấn, có thời điểm vượt qua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại.

Xuất khẩu gạo: ‘Tận dụng thời cơ nhưng phải giữ an ninh lương thực’ ảnh 2Sản phẩm gạo chất lượng cao của Việt Nam tại nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bước sang quý 2, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại và tiếp tục theo đà tăng của giá gạo thế giới. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 535 USD/tấn vào tháng 5/2023.

Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Còn tại nội dịa, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50-100 đồng/kg.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng từ đầu năm 2023, năm nay diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn.

Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi.

Về ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đối với sản xuất trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn lại các niên vụ 2015-2016 và 2019-2020 khi hiện tượng El Nino xuất hiện, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để tự tin khẳng định có nhiều giải pháp về bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cũng như các giải pháp về công trình như hệ thống thủy lợi để hạn chế mức độ ảnh hưởng của El Nino ở mức thấp nhất so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo thống kê, tính đến ngày 1/8, cả nước đã thu hoạch 24,2 triệu tấn thóc, gồm vụ Đông Xuân khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu khoảng 4,2 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 18-19 triệu tấn thóc chờ thu hoạch.

"Có thể có rủi ro, nhưng về cơ bản, với tình hình hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu," đại diện Cục Trồng trọt nói.

Cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa

Đánh giá tình hình chung, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đã tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta nói chung, hoạt động thương mại gạo nói riêng.

Song, dưới sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, 7 tháng vừa qua, xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm gạo Việt Nam. Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo: ‘Tận dụng thời cơ nhưng phải giữ an ninh lương thực’ ảnh 3Theo ông Trần Duy Đông, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và những vấn đề cần tập trung xem xét, giải quyết; trong đó thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm; chưa chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng.

Hơn nữa, công tác quy hoạch vùng trồng và định hướng tổ chức sản xuất lúa, gạo còn hạn chế; chưa thực sự phù hợp với tín hiệu của thị trường. Việc thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước-Nhà khoa học-Nhà sản xuất-Nhà Bank) trong sản xuất nông nghiệp chưa tốt, vì vậy vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.

Mặt khác, việc tạo lập, phát triển các cơ chế liên kết, hợp tác giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với người sản xuất chưa được chú trọng, vì vậy chưa bảo đảm được nguồn hàng ổn định và có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, tình hình sản xuất và thương mại lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có tình hình địa chính trị, địa kinh tế trong khu vực và thế giới. Giá gạo toàn cầu đã tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong 11 năm qua, mang lại những cơ hội và thách thức đan xen cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.

Xuất khẩu gạo: ‘Tận dụng thời cơ nhưng phải giữ an ninh lương thực’ ảnh 4Các đại biểu tham gia hội nghị về xuất khẩu gạo. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác và nông dân tiếp cận máy móc thiết bị, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, tăng khả năng và thời gian bảo quản, giảm áp lực cung-cầu, chủ động giá bán cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường và sản phẩm xuất khẩu ổn định, bền vững; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu; đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục