Xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng trong tháng Tư vừa qua, qua đó giảm bớt áp lực cho các nhà sản xuất trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 làm suy giảm nhu cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất.
Song giới chuyên gia nhận định triển vọng xuất khẩu của nước này vẫn ảm đạm khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đang làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Nếu đà tăng trưởng kinh tế thế giới suy yếu và tình trạng mất việc làm gia tăng, nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ có thể đi xuống trong nhiều tháng tới.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu của nước này trong tháng Tư đã tăng 3,5% so với cùng kỳ một năm trước đó, đánh dấu mức tăng trưởng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2019 và cải thiện so với mức giảm 6,6% của tháng Ba vừa qua. Sự tăng trưởng này trái ngược hoàn toàn so với dự báo suy giảm 15,7% theo khảo sát của hãng tin Reuters.
Chuyên gia Louis Kuijs của công ty tư vấn Oxford Economics nói trong một lưu ý gửi tới khách hàng rằng, sự khởi sắc của xuất khẩu trong tháng Tư vừa qua có thể do các nhà xuất khẩu Trung Quốc "bù đắp" cho tình trạng thiếu hụt trong quý đầu tiên do những hạn chế về nguồn cung.
Song chuyên gia này viện dẫn rằng với số đơn hàng mới trong cả hai chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) do khu vực công lẫn tư nhân tổng hợp đều suy yếu, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.
[Gian nan chặng đường khôi phục kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch]
Các đối tác thương mại quan trọng của nước này dự kiến sẽ rơi vào suy thoái sâu, dù dự báo cơ bản của Oxford Economics cho rằng nhu cầu thế giới sẽ phục hồi trong nửa sau của năm nay.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Trung Quốc trong cùng giai đoạn giảm 14,2% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2016 và vượt mức giảm 0,9% của tháng Ba.
Sự suy giảm trên là do nhu cầu trong nước đi xuống và giá hàng hóa giảm. Việc nhiều quốc gia bên ngoài Trung Quốc thực hiện phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 cũng gây ra cú sốc nguồn cung lớn cho các nhà nhập khẩu của nước này.
Với tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong nước, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa trở lại khi các nhà chức trách nới lỏng những hạn chế đi lại. Song nhiều nhà máy đang vật lộn sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, do các đơn đặt hàng ở nước ngoài bị cắt giảm hoặc hủy vì nhu cầu vẫn còn ảm đạm.
Một số nhà máy phải đối mặt với lượng hàng tồn kho tăng và lợi nhuận đi xuống, trong khi một số đã phải cho công nhân thôi việc như một phần của nỗ lực hạn chế chi phí./.