Tính hình lạm phát thế giới đã tác động mạnh đến các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng cá tra, đây là sản phẩm lợi thế dễ tiêu dùng, giá thấp, có thể đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, nên vẫn có nhiều lợi thế trong cạnh tranh tại thị trường nước ngoài, dù người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu ứng phó lạm phát.
Phối hợp nhịp nhàng
Lạm phát và chi phí tăng cao ở cả nguyên liệu đầu vào, vận chuyển và giá bán ra, khiến cho người sản xuất, xuất khẩu phải điều chỉnh giá phù hợp nhất với người tiêu dùng và đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đây là một vấn đề khó đối với đa số các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng với điều kiện hiện tại để điều chỉnh sản xuất.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, phân tích Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra nhiều nhất thế giới, thế nhưng lại hứng chịu thời gian gián đoạn sản xuất lẫn xuất khẩu, do cả nước ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021. Điều này khiến cho các nhà nhập khẩu bị thiếu hụt lượng hàng hóa dự trữ.
[Kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra tăng trưởng trái chiều]
Vì vậy sang năm 2022, nhu cầu nhập khẩu cá tra ở hầu hết thị trường đều tăng, tạo nên đà tăng xuất khẩu sớm hơn mọi năm. Thêm vào đó, chi phí cá tra nguyên liệu, vận chuyển đang ở mức cao nhưng so với các loại thuỷ sản khác, mức tăng giá của sản phẩm cá tra là không đáng kể.
Trong bối cảnh lạm phát kỷ lục, giá cả các mặt hàng thực phẩm đều tăng cao, cá tra với lợi thế giá cả phải chăng trở thành sự lựa chọn phù hợp cho nhiều người tiêu dùng.
Xét thấy điều kiện kinh tế và tình hình chính trị thế giới vẫn còn những chuỗi ngày khó khăn kéo dài, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đã tính toán con đường phối hợp với nhà nhập khẩu và nhà vận chuyển để điều chỉnh các chi phí hợp lý cho các bên, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn ngành cá tra đi lên trong giai đoạn cuối năm 2022.
Cụ thể, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng chủ động chia sẻ một phần chi phí vận chuyển với đối tác, nhà nhập khẩu để duy trì mức giá hợp lý, tận dụng tốt nhu cầu thị trường để duy trì đà tăng trưởng lâu dài, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm chia sẻ thêm.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xúc tiến thương mại Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chia sẻ chính sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên này, làm cho kết quả xuất khẩu cá tra trong 9 tháng của năm 2022 được dự báo sẽ đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong những thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam, thị trường Trung Quốc vẫn đứng đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, với kim ngạch ước hơn 560 triệu USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra sang các các nước thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(CPTPP) cũng trở thành điểm sáng trong ngành cá tra, với kim ngạch ước tính hơn 271 triệu USD trong 9 tháng năm 2022.
Chuẩn bị nguồn nguyên liệu chất lượng cho xuất khẩu
Trong khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam đã sử dụng nguồn nguyên liệu tồn kho từ năm 2021 phục vụ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu, các địa phương sản xuất cá tra cũng đang tích cực chuẩn bị một nguồn nguyên liệu chất lượng để góp phần thúc đẩy ngành cá tra phát triển, khẳng định chất lượng và lợi thế cạnh tranh ra thị trường thế giới.
Tại tỉnh Đồng Tháp, hồi đầu tháng 9/2022, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra đến năm 2025 bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, kế hoạch đến năm 2025, diện tích thả nuôi cá tra đạt 2.450ha, sản lượng đạt 555.000 tấn (tương đương giá trị sản xuất đạt trên 9.046 tỷ đồng, chiếm 17,2% cơ cấu ngành nông, lâm, thuỷ sản). Trong đó, có 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp sản xuất tốt (GAP), tức có khoảng 1.225ha diện tích đạt chứng nhận GAP.
Đồng thời, trên kế hoạch này, sẽ có 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ, trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao, đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền, có 60% diện tích vùng nuôi có hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định; 100% nguồn nước cấp trên dòng sông chính được quan trắc thường xuyên theo quy định.
Không riêng Đồng Tháp, tỉnh An Giang, địa phương sản xuất cá tra nguyên liệu lớn nhất cả nước cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn nguyên liệu chất lượng, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản An Giang cho biết, diện tích nuôi cá tra của An Giang nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ tính riêng cá tra thương phẩm, diện tích nuôi từ đầu năm đến nay là 1.978ha, bằng 111,1% so cùng kỳ.
Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đã nhanh chóng thả nuôi cá tra thương phẩm trở lại để bổ sung nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu cuối năm 2022.
Hiện tại, thị trường xuất khẩu cá tra được mở rộng, sản lượng nhập hàng tại 4 thị trường chủ lực đã tăng mạnh trở lại, đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức lại ngành hàng cá tra theo hướng lượng cung sản phẩm ra thị trường thế giới ở mức vừa đủ, giữ được giá xuất khẩu ở mức có lợi.
Giá xuất 1kg cá tra philê ở mức cao, vừa giúp người nuôi cá không bị thua lỗ, vừa không phải bị nước sở tại đánh thuế chống bán phá giá.
Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, ngoài việc đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra An Giang cũng thực hiện liên kết và tiêu thụ với các hộ nuôi, củng cố và nâng cao chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp, Chi cục thủy sản An Giang cũng tăng cường kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo kiểm soát dư lượng kháng sinh và truy xuất nguồn gốc nguồn nguyên liệu cung ứng cho chế biến và xuất khẩu, đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu ra thị trường thế giới những tháng cuối năm 2022, ông Trần Anh Dũng chia sẻ thêm./.