Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU có dấu hiệu phục hồi

Sau một thời gian tập trung công tác quảng bá, truyền thông và chứng minh về mặt chất lượng sản phẩm thì đến nay xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang EU có đang dấu hiệu hồi phục.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Ngay từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp trong ngành cá tra đã xác định vấn đề truyền thông “bôi xấu” sẽ tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất của ngành hàng này ở thị trường EU. Tuy vậy, sau một thời gian tập trung công tác quảng bá, truyền thông và chứng minh về mặt chất lượng sản phẩm thì đến nay xuất khẩu cá tra sang EU có đang dấu hiệu hồi phục.

Áp lực từ “cuộc chiến cá thịt trắng”

Theo dữ liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong vòng 20 năm qua, EU luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của ngành cá tra Việt Nam. Riêng từ giai đoạn năm 2004-2014, xuất khẩu cá tra sang EU luôn đứng ở vị trí số 1 trong cơ cấu các thị trường xuất khẩu của ngành hàng này.

Đến năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh mẽ tới EU. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Trong đó, xuất khẩu cá tra khá thành công tại thị trường Pháp, Tây Ban Nha và Italia nhờ giá rẻ, có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các loài cá thịt trắng bản địa.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm và hiện chỉ đứng ở vị trí thứ 3, sau Trung Quốc và Mỹ. Thậm chí, trong vài tháng đầu năm 2018, còn tụt xuống vị trí thứ 4 sau cả thị trường ASEAN.

Theo VASEP, cá tra của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với một số loài cá thịt trắng khác như cá cod, cá lưỡi trâu, cá haddock, cá minh thái... Bên cạnh đó, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn, cá tra Việt đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm thay thế có tính cạnh tranh cao ở thị trường EU.

Chính sự thành công vượt bậc của cá tra tại EU mà truyền thông một số nước ở khu vực này đã đưa nhiều thông tin không trung thực nhằm bôi xấu hình ảnh và hạ bệ cá tra. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng này.

Vụ “bôi bẩn” hình ảnh cá tra gây ảnh hưởng lớn nhất xảy ra trong thời gian gần đây là đầu năm 2017, cá tra Việt bị truyền thông Tây Ban Nha đưa ra những cáo buộc sai lệch trong vấn đề nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ. Ngay sau đó, nhiều siêu thị tại Châu Âu đã tuyên bố ngừng bán cá tra, cộng với sức cạnh tranh mạnh mẽ của nhiều sản phẩm cá thịt trắng bản địa khiến giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sụt giảm mạnh trong năm qua.

Mới đây nhất, một số báo ở Romania đã đăng tải nhiều thông tin không chính xác về sản phẩm cá tra Việt Nam. Một tờ báo còn khuyến nghị người dân không ăn, không gọi các món có liên quan đến cá tra Việt Nam tại các nhà hàng. Thậm chí, còn khuyến nghị người dân tẩy chay cá tra và các nhà hàng có thực đơn món cá này.

Sau một loạt những cáo buộc về ảnh hưởng của cá tra đến sức khỏe do các phương tiện truyền thông tại EU đưa ra, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Wageningen (Hà Lan) đã thực hiện một đánh giá nhằm xác định mức độ an toàn của việc ăn cá tra. Kết quả của đánh giá này không tìm ra bằng chứng ủng hộ bất kỳ cáo buộc nào của các phương tiện truyền thông chống lại cá tra.

Giáo sư Simon Bush, chuyên gia về Nghiên cứu Chính sách Môi trường tại Đại học Wageningen cho rằng, cá tra là chủ đề gây quan ngại về an toàn thực phẩm và an ninh môi trường, nhưng nếu xem xét kỹ thì các lời cáo buộc đó đều thiếu căn cứ.

“Phân tích của chúng tôi cho thấy các cáo buộc quyết liệt về cá tra không phù hợp với kết quả của các nghiên cứu khoa học. Đó là, cá tra có mức độ rủi ro về an toàn thực phẩm và ảnh hưởng đến môi trường rất hạn chế. Trong thực tế, cá tra là một loại cá tương đối mới ở thị trường EU, nhưng chiếm một phân khúc quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ và các các điểm bán dịch vụ thực phẩm. Do đó, có lẽ đã trở thành nạn nhân của chính sự thành công của nó, vị Giáo sư này cho biết.

[Hàng loạt tờ báo tại Romania "bôi xấu" hình ảnh cá tra Việt Nam]

Xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Trong vài năm gần đây, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU có sự giảm sút đáng kể do những tác động tiêu cực bởi truyền thông nước ngoài bôi xấu, nhất là ở thị trường Tây Ban Nha. Tuy nhiên, sau một thời gian ngành cá tra Việt Nam tập trung công tác quảng bá, truyền thông và chứng minh về mặt chất lượng sản phẩm thì đến nay xuất khẩu cá tra sang EU có đang dấu hiệu hồi phục.

Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã ký hợp đồng với Công ty Globally Cool thực hiện chiến dịch quảng bá cá tra tại thị trường này từ tháng 3-12/2017. Đồng thời, xây dựng và phát triển website https://youreverydayfish.com, trở thành trang điện tử đa ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan, chuyên giới thiệu về ngành cá tra Việt Nam cũng như phản ứng nhanh với các thông tin sai lệch, tiêu cực…

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản cũng đang triển khai Quỹ phát triển thị trường nhằm tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh cũng như ứng phó với những sự cố liên quan đến truyền thông bôi bẩn. Đối với những thông tin bôi nhọ mới xuất hiện như ở thị trường Romania, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện đang phối hợp tiếp tục theo dõi và tìm hiểu thông tin về sự việc thông qua Tham tán thương mại Việt Nam tại Romania. Đồng thời, cung cấp những thông tin cần thiết để ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng thiệt hại tới hoạt động xuất khẩu và hình ảnh sản phẩm chiến lược của quốc gia.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, dù liên tục gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn coi EU là thị trường quan trọng với nỗ lực nâng cao chất lượng để tăng thị phần tại khu vực này.

Một số doanh nghiệp cá tra Việt Nam cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách phát triển các sản phẩm mới, tăng sản phẩm cao cấp, giá trị gia tăng, giảm tỷ lệ mạ băng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2017 đến nay, do nguồn cung cá tra hạn chế nên giá bán một số sản phẩm cá tra cũng tăng lên đáng kể.

Theo ông Hòe, bên cạnh việc giá bán sản phẩm cá tra tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây thì ở thị trường EU, một số loài cá thịt trắng khác bị mất mùa nên cá tra được lựa chọn là sản phẩm thay thế. Điều này đã góp phần tạo khuynh hướng hồi phục kinh doanh, thương mại cá tra ở thị trường này và giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt sang EU có dấu hiệu phục hồi trong vài tháng gần đây.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt trên 139 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, một số thị trường nhập khẩu đơn lẻ khác có sự tăng trưởng mạnh như Hà Lan (tăng 43%), Italia (tăng 83%). Hiện thị trường EU đang đứng vị trí thứ 3 trong cơ cấu thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam, chiếm 11,6% thị phần, sau Trung Quốc và Mỹ.

Dù xuất khẩu cá tra sang EU đang có dấu hiệu “ấm” dần, tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề truyền thông bôi nhọ vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của ngành cá tra ở thị trường này trong thời gian tới. Do vậy, ngành cá tra cần tập trung công tác xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam cũng quảng bá hình ảnh cá tra trên thị trường; đồng thời, định vị chiến lược xuất khẩu theo phân khúc sản phẩm cao cấp, sản phẩm giá trị gia tăng với giá cao và chất lượng tốt. Có như vậy, xuất khẩu cá tra mới thực sự bền vững không chỉ riêng thị trường EU mà còn ở những thị trường xuất khẩu khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục