Xuất khẩu 2019: Cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại

Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện-Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi từ đầu năm nay và EVFTA sẽ được thông qua trong năm, điều này đang mở ra triển vọng cho xuất khẩu năm 2019.
Sản xuất máy may công nghiệp và các thành phần mài tại Công ty Juki Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Sản xuất máy may công nghiệp và các thành phần mài tại Công ty Juki Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi từ đầu năm nay và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) sẽ được thông qua trong năm nay, điều này đang mở ra triển vọng cho xuất khẩu năm 2019.

Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn còn nhiều thách thức như ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ doanh nghiệp Trung Quốc sang các thị trường lân cận sẽ gia tăng.

Để tìm hiểu rõ hơn những cơ hội cũng như thách thức của xuất khẩu Việt Nam trong năm 2019, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương.

- Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Ông có thể khái quát về những kết quả đạt được trong năm 2018?

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam luôn đạt kết quả khả quan, thường tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Đặc biệt, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Điều này, đánh dấu bước tiến của xuất khẩu và đóng góp lớn vào tăng trưởng 7,08% của kinh tế nói chung.

- Xuất khẩu có sự tăng trưởng ấn tượng, theo ông, kết quả là do đâu?

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trước hết phải kể đến là nỗ lực cải cách thể chế của các bộ, ngành thông qua cắt giảm giấy phép con và điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ hai, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như nông nghiệp sạch, cơ khí, lĩnh vực điện tử trong thời gian qua đã phát huy tác dụng nên các ngành này có mức tăng trưởng cao trong năm 2018. Đặc biệt là việc Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao đã bắt đầu mang lại những tín hiệu tích cực.

- Theo ông, năm 2019 được hưởng những lợi ích gì từ kết quả của năm 2018?

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Theo tôi, kết quả ấn tượng của năm 2018 để lại bài học thành công và thất bại để năm 2019 Việt Nam có thể tiếp tục phát huy.  Những kết quả đó còn khẳng định chủ trương đúng của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, xây dựng Chính phủ điện tử, cắt giảm điều kiện kinh doanh, các thủ tục thuế và hải quan…

- Ông dự báo như thế nào về các mặt hàng sẽ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019?

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Năm 2018, các mặt hàng như thủy hải sản, lúa gạo, rau quả Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng. Theo tôi các mặt hàng trên sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng cao trong năm nay vì thị trường thế giới vẫn có nhu cầu.

[Tháng 2, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 900 triệu USD]

Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày vẫn là những mặt hàng có xuất khẩu khá. Ngoài ra, các mặt hàng linh kiện, điện tử, cũng sẽ tiếp tục phát triển.

- Ông đánh giá như thế nào về việc mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu từ 7-8% mà Quốc hội đã thông qua?

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng từ 7-8% trong năm 2019 là mục tiêu thận trọng của Chính phủ cũng như Quốc hội và con số này là khả thi.

Việc Chính phủ, Quốc hội đặt ra chỉ tiêu năm 2019 thấp hơn năm 2018 là do Chính phủ đánh giá về những thách thức, cũng như nhiều yếu tố không lường trước có thể xảy ra, tác động đến xuất khẩu năm 2019 như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.

- Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn đang diễn biến khó lường, theo ông Việt Nam cần làm gì để hạn chế những rủi ro từ cuộc chiến này?

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Hiện có nhiều kịch bản đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Thách thức là nhu cầu và sức mua của thị trường thế giới bị giảm sút và thị trường đầu tư bị xáo trộn, điều này sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng ở khía cạnh khác, Việt Nam có thể có lợi ích từ cuộc chiến này.

Như nhiều tập đoàn lớn rút khỏi thị trường Trung Quốc và tìm kiếm các thị trường khác mà Việt Nam là một trong những nơi được chú ý. Nếu Việt Nam tận dụng cơ hội này, xuất khẩu Việt Nam sẽ có lợi thế.

Để hạn chế rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, cần tránh hiện tượng một số quốc gia lợi dụng sự ưu đãi của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do để nấp bóng hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Vì vậy chúng ta cần tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bị lẩn tránh đánh thuế.

- Năm 2019, Hiệp định CPTPP được thực thi, cùng với đó Việt Nam sẽ thông qua hiệp định thương mại tự do quan trọng EVFTA. Ông dự báo như thế nào về tác động của hai hiệp định này đến triển vọng thương mại của Việt Nam?

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Năm 2018 Việt Nam đã xuất khẩu 36,8 tỷ USD sang các nước tham gia CPTPP, Việt Nam cũng xuất siêu sang EU. Đây là hai thị trường lớn và tiềm năng của Việt Nam.

Việc tham gia CPTPP là một trong những tiêu chí để Việt Nam điều chỉnh thể chế và môi trường kinh doanh. Điều này cũng đã được Chính phủ quyết tâm thực hiện.

Đối với EVFTA, khi Hiệp định này nếu được thông qua, hàng Việt Nam sẽ vào được thị trường rộng lớn và khó tính nhất, góp phần quan trọng cho xuất khẩu năm 2019.

-Xin cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục