Xuất hiện nhiều ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản nặng tại TP.HCM

Từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, các bệnh viện nhi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, các bệnh viện nhi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Đây được xem là thời điểm bắt đầu vào mùa dịch bệnh viêm não Nhật Bản kéo dài từ tháng 5-10 hàng năm.

Tại Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 25 ca viêm não Nhật Bản, chiếm 50% tổng số ca mắc các bệnh viêm não, viêm màng não. Hiện có sáu bệnh nhi điều trị trong tình trạng bệnh nặng và phải thở máy.

Theo bác sỹ Trưởng khoa Trương Hữu Khanh, có những hôm bệnh nhi nhập viện quá đông khiến Khoa không còn giường, không còn máy thở buộc phải chuyển bệnh nhi xuống Khoa Cấp cứu nằm tạm.

So với cùng kỳ năm 2016, bác sỹ Trương Hữu Khanh nhận định năm nay, số lượng trẻ mắc viêm não Nhật Bản nhiều hơn và tình trạng bệnh cũng nặng hơn.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, những ngày qua đã tiếp nhận một số ca bệnh viêm não Nhật Bản. Thống kê từ đầu năm đến nay, Bệnh viện này điều trị cho bảy trường hợp trẻ em mắc viêm não Nhật Bản và đa phần cũng đều ở tình trạng bệnh nặng.


[Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1.000 ca viêm não virus]

Thông thường, trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường phải điều trị trong nhiều ngày, có khi phải nằm viện cả tháng. Hiện nay, tại Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, có hai trẻ em đã nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt và thở máy từ 8-10 tháng. Như trường hợp của bé Nguyễn Lê Tân, 12 tuổi, ngụ tỉnh Long An nhập viện từ tháng 8/2016 đến nay vẫn chưa thể bỏ được máy thở. Khi được hỏi về lịch sử tiêm phòng của bé, chị Lê Thị Bé Nhất (mẹ bé Nguyễn Lê Tân) không nhớ là con mình đã tiêm phòng viêm não Nhật Bản hay chưa.

Thống kê cho thấy 60% số trẻ mắc viêm não Nhật Bản sẽ hồi phục, 30% sẽ có di chứng và khoảng 10% có thể tử vong. Đến thời điểm này, viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như phương pháp điều trị tối ưu. “Việc điều trị chủ yếu vẫn là sử dụng máy thở hỗ trợ suy hô hấp, sử dụng thuốc chống co giật... nên mới chỉ giảm được tỷ lệ tử vong chứ chưa giảm được di chứng,” bác sỹ Trương Hữu Khanh cho hay.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh cảnh báo, bệnh viêm não Nhật Bản có thể gia tăng trong thời gian tới khi muỗi Culex - một loại muỗi sinh sống chủ yếu ở các ruộng lúa vào mùa phát triển mạnh. Tại khu vực phía Nam, bệnh thường gặp ở những vùng nông thôn, đặc biệt xuất hiện nhiều ở vùng trồng lúa như các tỉnh miền Tây Nam bộ. Bệnh lây truyền từ động vật như lợn, chim sang người qua trung gian truyền bệnh của loài muỗi Culex.

Tiêm phòng vắcxin và diệt muỗi là hai phương pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Cần tiêm phòng đủ tối thiểu ba mũi vắcxin viêm não Nhật Bản, sau đó mỗi ba năm có thể tiêm nhắc lại một lần để đảm bảo tính phòng ngừa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục