Xuất hiện một đợt lũ ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Bình

Theo dự báo, từ ngày 12-15/6, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-6m.
Xuất hiện một đợt lũ ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Quảng Bình ảnh 1(Ảnh minh họa: Xuân Tư/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ 12-14/6, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt.

Riêng đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa-Quảng Bình có mưa to đến rất to kèm nguy cơ lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt.

Từ ngày 12-15/6, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-6m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông chính còn dưới báo động 1, trên một số sông nhỏ khả năng lên mức báo động 1-báo động 2.

[Dự báo áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão]

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: huyện Thanh Ba, Thanh Sơn, Hạ Hòa, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ), thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Hà Nội; Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa; thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An).

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, khu vực miền núi phía Bắc là vùng trọng tâm của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại về người cao nhất trong những năm gần đây.

Lũ ống, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét, kể cả ban đêm như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...

Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần chạy thật nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm, đến vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền để đảm bảo an toàn tính mạng.

Chính quyền khu vực vùng núi cần kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục