Xuất cảnh trái phép đi làm thuê: Nỗi buồn đìu hiu chốn quê nghèo

Người lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, ở quê nhà ruộng nương bỏ hoang, con cái bơ vơ thiếu hơi ấm và bàn tay chăm sóc của cha mẹ.
Người lao động ở Lào Cai vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, ruộng nương bỏ hoang, con cái bơ vơ thiếu hơi ấm và bàn tay chăm sóc của cha mẹ. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Người lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, ở quê nhà ruộng nương bỏ hoang, con cái bơ vơ thiếu hơi ấm và bàn tay chăm sóc của cha mẹ.

Đã có những trường hợp trở về bị tàn tật hoặc có trường hợp biệt tích, bỏ mạng ở xứ người, để lại nỗi xót thương cho gia đình và người thân.

Những đứa trẻ chờ mong bố mẹ

Con đường vào các thôn, xóm của xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) rất quanh co. Không khí trong thôn Sín Tẩn, xã Sán Chải đìu hiu, vắng vẻ. Trong những ngôi nhà đơn sơ, nghèo nàn, chỉ có những cụ già lầm lũi làm việc nhà và chăm sóc các cháu nhỏ. Khi hỏi chuyện những đứa trẻ, chúng tôi mới hay, bố mẹ chúng đều sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền.

Sau Tết, đồng bào ở thôn Sín Tẩn ồ ạt rủ nhau vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Vợ chồng anh chị Giàng Seo Trá, Ly Thị Dở ở thôn Sín Tẩn cũng bỏ quê với mong muốn sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền về trang trải cuộc sống gia đình, đành bỏ lại sáu đứa con nheo nhóc, không người chăm sóc.

Cháu Giàng Seo Phừ (con trai cả) vừa tròn 13 tuổi, phải gánh trên vai trách nhiệm làm cha, làm mẹ, bao bọc, dắt díu, chăm nuôi năm đứa em nhỏ. Hằng ngày, sáu anh em Phừ kéo nhau lên đồi mót rau dại, bắt chuột, tối đến quây quần trong căn nhà rách nát được quây bởi những tấm bạt màu xanh đỏ.

[Xuất cảnh trái phép đi làm thuê: Nhọc nhằn tìm miền đất hứa]

Nơi ở của sáu anh em Phừ nằm chênh vênh phía cuối sườn đồi. Bên trong căn nhà rách nát, xập xệ, không có tài sản gì đáng giá, quần áo vương vãi, xoong nồi lăn lóc bốc lên mùi mốc meo, ẩm thấp. Đám trẻ sàn sàn ngang nhau, riêng Phừ nhỉnh hơn các em cái đầu, đang tất bật khuân củi chuẩn bị nấu ăn cho bữa trưa.

Giàng Seo Phừ cho biết, từ khi bố mẹ đi làm sáu anh em chưa một ngày được ăn no, mặc ấm. Vì nhà ít nương, một năm trồng ngô, lúa không đủ ăn, bố mẹ mới để các em tự chăm sóc nhau và sang bên kia (Trung Quốc) làm thuê. Phừ lớn nhất nhà đành bỏ học giữa chừng để thay bố mẹ chăm sóc các em. Sau này bố mẹ kiếm được dư tiền Phừ sẽ trở lại lớp học.

Ông Nguyễn Hữu Hưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sán Chải, cho biết thực trạng lao động xuất cảnh trái phép trên địa bàn đã diễn ra rất nhiều năm.

Từ đầu năm đến cuối tháng 5/2018, xã Sán Chải đã có 480 trường hợp người dân sang Trung Quốc làm thuê, phần lớn trong độ tuổi từ 30-40. Mỗi người thường đi từ 10-15 ngày lại về nhà một vài hôm, người đi dài ngày thường từ 3-6 tháng hoặc một năm.

Vợ chồng ông Lê Văn Sơn ở xã Lương Sơn, huyện Yên Lập (Phú Thọ) phải nuôi các chái vì con dâu xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê nhưng bị bắt. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Đến nay, xã Sán Chải có hơn 100 trường hợp đi cả vợ chồng, gửi lại con cái cho người thân chăm sóc dẫn tới tình trạng con cái bỏ học, đặc biệt là các em học cấp 2.

Hiện, tỷ lệ chuyên cần học sinh của Trường Trung học Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở tại địa phương thấp so với mọi năm. Toàn trường có 355 học sinh, có những ngày số lượng học sinh đến lớp chỉ đạt 80%, vắng 20%.

Mặc dù công việc bên Trung Quốc vất vả, đối mặt với nhiều khó khăn, tiềm ẩn một số nguy hiểm nhưng vì thu nhập cao hơn so với làm việc tại địa phương, nên người dân sẵn sàng bỏ ruộng nương, con cái để đi lao động.

Nỗi đau người còn, người mất

Câu chuyện về vụ tai nạn lật xe ôtô tại Hà Khẩu thuộc Vân Nam (Trung Quốc) khiến hơn 20 người xuất cảnh trái phép đi làm thuê bị thương vong vào tháng 3/2015 đã khiến vùng đất miền sơn cước Lào Cai thức tỉnh. Tuy vậy, vẫn còn đó nỗi buồn, mất mát, chưa thể nguôi ngoai, có gia đình bố mẹ mất con, chồng mất vợ, con mất mẹ và cũng có người phải chịu thương tật vĩnh viễn.

Có mặt tại gia đình Chảo Láo Sử ở thôn Trung Chải, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát (Lào Cai). Chảo Láo Sử đang phải cố gắng hết sức nâng cánh tay còn lại của mình để xách xô cám cho lợn ăn. Khuôn mặt nhăn nhó, dáng người xiêu vẹo về một phía để đỡ lấy xô cám tránh bị rơi.

Chảo Láo Sử sinh năm 1991, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng phải mưu sinh với một chiếc tay trong gần ba năm qua. Đầu năm 2014, Chảo Láo Sử vừa tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi, anh nuôi ước muốn ra trường trở về xây dựng quê hương. Tuy nhiên, chỉ vì theo chân người làng trốn sang Trung Quốc đi làm để kiếm tiền giúp bố mẹ trong thời gian chờ lấy bằng, xin việc đã tai nạn bất ngờ ập đến.

Thời gian trôi qua nhưng đến giờ Sử vẫn ám ảnh cái ngày xảy ra tai nạn đó, nó còn cướp mất đi 3 người cùng bản với Sử trên cùng một chuyến xe. “Sang bên ấy lương cao thật đấy nhưng đổi lại mình phải cược mạng sống của mình như một canh bạc bởi suốt ngày nơm nớp lo sợ bị bắt. Nhìn vào hoàn cảnh của tôi và 3 người cùng thôn mất đi mạng sống nơi đất khách quê người đó là bài học đắt giá cho việc xuất cảnh trái phép làm thuê,” Chảo Láo Sử chia sẻ.

Năm 2016, khi tròn 20 tuổi, chàng trai Nguyễn Hoàng Thanh ở xã Lệnh Khanh, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), vì muốn thoát khỏi khó khăn đã theo bạn bè xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Mới làm được ba tháng, một tai nạn không may đã cướp đi sinh mạng của cậu thanh niên này, khép lại ước mơ đổi đời còn dang dở.

Đôi mắt đỏ hoe, bà Phạm Thị Hồng (mẹ của Nguyễn Hoàng Thanh) nức nở: “Cháu bảo Tết sang năm kiểu gì con cũng về, con về ăn Tết với mẹ... Không ngờ cháu đi không về nữa. Cháu Thanh là trụ cột nhưng mất đi rồi, cuộc sống của gia đình rất khó khăn.”

Chúng tôi có mặt ở bản Pù Quải, xã Mường Cang (huyện Than Uyên) khi từng nóc nhà khói bếp bắt đầu lan tỏa khắp bản làng. Chúng tôi tìm gặp ông Tòng Văn Giót có con trai mất tích khi theo bạn bè vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Ngôi nhà sàn của ông Giót nằm sâu dưới cuối ngõ nhỏ. Theo lời của cán bộ xã, ông Giót nhớ thương con trai nên bị tai biến, đi lại rất khó khăn.

Ông Tòng Văn Giót cho biết con trai Tòng Văn Hòa xin bố mẹ đi làm thuê ở Quang Ninh, nhưng do công việc bốc vác nặng nhọc nên theo người sang bên Trung Quốc tìm việc để được trả công cao. Tuy nhiên, người dân trong bản đi cùng may mắn trở về và nói Hòa đã chết. Đến giờ, gia đình vẫn chưa tin con trai Tòng Văn Hòa chết, vì chưa nhận được xác và vẫn hy vọng.../.

Đón đọc Bài 3: Vỡ mộng đổi đời

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục