Xuất bản phẩm lậu ngày càng tinh vi với nhiều hình thức, không chỉ lậu ấn phẩm in mà dưới hình thức điện tử, không chỉ bán mà còn cả hình thức tặng kèm miễn phí… Đâu là nguyên nhân và làm thế nào để giải quyết thực trạng này là vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo Chống xuất bản phẩm lậu. Hội thảo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức sáng nay, ngày 20/6, tại Hà Nội.
Khó phân biệt thật, giả
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành sách, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng. Hệ quả của in lậu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Trong số các nhà xuất bản, xuất bản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị in lậu nhiều nhất. Thống kê của Nhà xuất bản này cho thấy, từ năm 2010 đến nay, đơn vị này đã phát hiện hơn 500.000 bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News-Trí Việt, đơn vị này hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị, trong đó bán chạy khoảng 400 cuốn, nhưng có 686 đầu sách bị in lậu, với trên 3.000 phiên bản sách lậu. Nhiều đầu sách bị in lậu cùng lúc ở nhiều nơi. First New chỉ in một phiên bản duy nhất cho một cuốn sách nhưng các trùm in lậu in nhiều phiên bản và cạnh tranh giá với nhau.
Không chỉ in lậu lớn về số lượng, ông Phước cho hay, thủ đoạn của các đối tượng in lậu ngày càng tinh vi. Sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện những chi tiết như bìa mờ nhạt hơn một chút, giầy bìa và ruột sách mỏng hơn vài phần trăm, gáy sách hơi lệch…
[Nan giải ngăn chặn nạn in sách lậu - vấn nạn ngày càng nhức nhối ]
“Sách giả giống như đúc sách thật, bao gồm cả logo, địa chỉ, hiệu ứng chữ nổi hay ép nhũ không hề khác sách thật. Bạn đọc phải có một cuốn sách chính hãng bên cạnh, đối chiếu từng chi tiết mới phân biệt được thật, giả - một công việc mà bất kỳ độc giả bình thường nào cũng không có khả năng thực hiện,” ông Phước chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành sách, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho hay, nhiều vụ việc, khi phát hiện sách lậu, cơ quan chức năng đề nghị xác minh nhưng chính nhà xuất bản cũng không phân biệt được chuẩn xác đâu là thật, đâu là giả, khiến quy trình xử lý khó khăn.
Chế tài chưa đủ mạnh
Theo ông Lê Thành An, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, lợi nhuận từ in lậu rất lớn khi không phải không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo; không phải chi tiền bản quyền, không nộp thuế… Trong khi đó, chế tài xử phạt trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe khi gần như chỉ phạt hành chính ở mức vài chục triệu đồng.
Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, hiện công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động in lậu hiệu quả chưa cao, lực lượng mỏng, thiếu chế tài xử lý. Các đối tượng in lậu lại hoạt động rất tinh vi, bán sách giả lẫn với sách thật; chia nhỏ các khâu in, đóng, xén ở nhiều địa điểm để dễ tẩu tán; hoạt động ban đêm để tránh bị điều tra…
Là người từng nhiều lần trực tiếp xử lý các vụ in lậu, ông Trần Hùng, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương, cho hay, sách giả giống thật nên lực lượng quản lý thị trường rất khó phát hiện.
[Tạm giữ hơn 80.000 xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ]
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng thẳng thắn cho biết, chính cơ quan quản lý thị trường cũng chưa đủ lực lượng và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này mà mới chú ý nhiều đến các vấn đề nóng hơn. “Người ít thì phải tập trung các vấn đề ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân như thuốc giả, phân bón giả...”, ông Hùng nói.
Để giải quyết vấn đề xuất bản phẩm lậu, ông Hùng cho rằng cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của tất cả các bên, từ chính nhà xuất bản, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Hùng cho hay, Cục Quản lý thị trường bắt đối tượng bán sách lậu, nhưng người bán sách chỉ khai được nhờ bán nên chỉ có thể xử lý theo hướng tiêu hủy và phạt vài chục triệu. Theo ông Hùng, nếu có sự vào cuộc của lực lượng công an, trinh sát, có nghiệp vụ để theo dõi thì có thể phát hiện được cả đường dây in lậu.
“Để giải quyết vấn đề sách lậu, các nhà xuất bản phải chung tay vào cuộc để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Ở góc độ quản lý nhà nước, các bên: Cục Xuất bản, công an, Cục Quản lý thịt rường, cảnh sát kinh tế… phải ngồi lại với nhau, chia sẻ thông tin. Chính phủ phải vào cuộc, có hành động quyết liệt hơn, chỉ đạo mạnh mẽ hơn thì mới là liều thuốc hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, không ham sách rẻ, tiếp tay cho hành động in lậu và vi phạm bản quyền,” ông Hùng nói./.