Cộng đồng yêu thơ Đường tại Việt Nam lần đầu tiên được đón nhận một ấn phẩm đặc biệt, kết hợp cả ba loại hình Làm thơ, Viết chữ, Vẽ tranh, khi cuốn “Đường Thi họa phổ” ra mắt vào vào mùa Thu năm nay.
Cuốn sách của soạn giả Hoàng Phượng Trì (đời nhà Minh, Trung Quốc) có tên tiếng Hán là “Đường Thi họa phổ - Tứ tuyệt thơ Đường - Thư họa cổ bản” do dịch giả Châu Hải Đường chuyển ngữ và được Trúc Bạch thư xã xuất bản.
Thơ Đường (thơ ca thời nhà Đường, kéo dài từ năm 618-907) vốn được coi là đỉnh cao của văn học cổ Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn tới cả khu vực đồng văn (Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản), với những tên tuổi lớn như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị…
Tại Việt Nam, các tác phẩm thơ đời nhà Đường luôn được xuất bản rộng rãi hàng trăm năm qua, có ảnh hưởng lớn đến các thi nhân lớn của dân tộc. Trong nhiều tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn trích dẫn, hoặc làm theo niêm luật thơ Đường.
[Hành trình 2 năm nỗ lực đưa “Truyện Kiều” đến với độc giả Nga]
Theo quan niệm từ xưa thì làm thơ, viết chữ và vẽ tranh là những điều mà giới “tao nhân mặc khách” trân trọng. Đó là 3 mảng khác nhau, nhưng lại có mối liên kết cực kỳ mật thiết. “Thi trung hữu họa,” tức trong thơ có tranh, trong chữ có thần (thần thái), và trong tranh thì lại có ý thơ.
Tuy nhiên, trong số các tác phẩm thơ Đường đã được xuất bản ở Việt Nam, hầu như mới chỉ chú ý tới nhất phẩm, là in thơ mà thôi. Còn cuốn “Đường Thi họa phẩm” kết hợp cả Đường thi, tranh thủy mặc và thư pháp, đem tới giá trị thưởng ngoạn đặc biệt.
Độc giả không chỉ được ngâm vịnh các bài thơ Đường nổi tiếng, mà còn được ngắm nhìn những bức thư pháp viết về bài thơ đó, cũng như những bức tranh minh họa cho thi phẩm ấy.
Theo giới nghiên cứu, thơ Đường có sức sống mãnh liệt qua hàng trăm năm, tạo nên một hiện tượng dị biệt mà không một thể loại văn chương hay thi ca nào có thể sánh nổi.
Cho đến tận ngày hôm nay, khi đọc thơ Đường, chúng ta vẫn thấy rung động, say mê và các chuẩn mực của các thể loại thơ Đường vẫn là khuôn vàng thước ngọc để các thi sỹ sử dụng bày tỏ tình cảm, tâm tư của mình.
Người biên soạn nên cuốn sách “Đường Thi họa phổ” là Hoàng Phượng Trì sống ở đời nhà Minh. Ông là chủ nhân của Tập Nhã Trai ở Hàng Châu, là nơi tập hợp của nhiều bậc tao nhân mặc khách.
Đích thân ông đã chọn hơn 158 bài thơ Đường của 100 tác giả nổi tiếng nhất, rồi lại tìm các danh nhân nhờ viết chữ, tìm các danh bút nhờ vẽ tranh, tạo nên “Đường Thi họa phổ,” gồm 3 tập là “Đường thi ngũ ngôn họa phổ,” “Đường thi thất ngôn họa phổ” và “Đường thi lục ngôn họa phổ trác tuyệt.”
Những tác phẩm được Hoàng Phượng Trì lựa chọn luôn tràn trề họa ý. Nhưng để làm rõ giá trị này, ông lại ra công nhờ một họa gia nổi tiếng đương thời là Sái Xung Hoàn vẽ tranh thể hiện.
Theo các nhà làm sách, Sái Xung Hoàn phải vẽ 158 bức tranh theo ý của 158 bài thơ Đường và không phải là vẽ trên giấy, mà là vẽ tranh khắc ván in, tạo thêm nhiều giá trị cho tác phẩm.
Sau khi được xuất bản ở cuối đời nhà Minh, “Đường Thi họa phổ” trở thành cuốn sách bán chạy hàng đầu, lan truyền ra nước ngoài như Nhật Bản. Nhưng phải đến nay, tác phẩm này mới được lưu truyền đến Việt Nam nhờ công phát hiện và chuyển ngữ của dịch giả Châu Hải Đường.
Có thể khẳng định, ở Việt Nam, chưa từng có cuốn sách về Đường thi nào có thể đáp ứng được các nhu cầu thẩm mỹ của những người yêu thơ Đường, yêu thư pháp, yêu tranh thủy mạc như tác phẩm này. "Đường Thi Họa Phổ" xứng đáng là một tác phẩm cần phải có trong thư phòng của những người luôn tìm kiếm giá trị Chân-Thiện-Mỹ./.