Hòa cùng không khí đón Xuân Giáp Thìn, ngày 11/2, tức mùng 2 Tết, Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ (UGVB) đã tổ chức chương trình "Xuân yêu thương." Sự kiện này không chỉ là dịp để cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ sum vầy mà còn là một cơ hội để các thành viên gắn kết với quê hương trong bầu không khí Tết truyền thống và những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, đã thành thông lệ hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền, Trung tâm văn hóa quận Woluwe Saint-Pierre ở thủ đô Brussels lại trở thành một không gian Tết Việt ấm cúng với mâm quả được khắc chữ công phu chúc mừng Năm mới Giáp Thìn.
Đây là điểm chụp ảnh yêu thích của khách tới tham dự sự kiện với mong muốn ghi lại khoảnh khắc đẹp khi Tết đến Xuân sang.
Năm nay, lần đầu tiên có một không gian báo Tết trưng bày những tờ báo Xuân đặc sắc mang từ quê hương Việt Nam tới Bỉ phục vụ đồng bào xa xứ như Nhân Dân, Tin Tức, Tuổi trẻ, Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ, Nông thôn ngày nay, Tuổi trẻ cười...
Tâm sự với phóng viên TTXVN, chị Huỳnh Thị Thu Thảo, sống tại Bỉ từ 25 năm nay không giấu được vui mừng và xúc động khi được cầm trên tay những tờ báo Tết đặc sắc mà từ khi sang Bỉ đến giờ chị mới có dịp được đọc.
Chị Thảo cho biết mặc dù hiện nay mọi người đọc báo chủ yếu trên mạng Internet nhưng với chị, được đọc những những tờ báo Tết bằng tiếng Việt ở trời Âu vẫn là điều tuyệt vời nhất.
Đặc biệt, trong không gian Tết Việt này, mọi người vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi thấy sự xuất hiện của "ông đồ" Jean-Sébastien Gill, một người Pháp yêu thích nghệ thuật viết thư pháp.
Trong bộ đồ áo the, khăn xếp, anh Jean-Sébastien đã tự tay thực hiện viết thư pháp cho bà con. Sự tận tâm và chân thành của anh đã thu hút rất đông người Việt Nam và cả người Bỉ với mong muốn được sở hữu một bức thư pháp độc đáo để treo tại nhà dịp Tết.
Anh Jean-Sébastien cho biết gia đình anh sống tại Việt Nam từ hơn 10 năm nay. Anh yêu đất nước Việt Nam bằng cả tấm lòng và luôn mong muốn truyền tải văn hóa Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Anh học viết thư pháp và đã từng đoạt giải thưởng trong lễ hội tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Đây là lần đầu tiên anh tới Brussels, anh mong muốn trao tặng cho cộng đồng người Việt ở Bỉ những câu chúc nhân dịp đầu Xuân, Năm mới.
Bức thư pháp khổng lồ mang nội dung "Tân Niên Vạn Phúc," như một lời chúc mừng đặc biệt mà anh Jean-Sébastien dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ với mong muốn người Việt Nam có một năm mới tràn đầy hạnh phúc và thành công.
Không gian Tết Việt cũng dành một góc yêu thương cho những hội từ thiện như "Cơm có thịt" và "Friends for Kids Vietnamese" (Những người bạn cho trẻ em Việt Nam) bày bán những món đồ thủ công được làm tại Việt Nam với mục đích quyên góp ủng hộ trẻ em nghèo ở Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại chương trình, ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch UGVB đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày Tết Nguyên đán đối với cộng đồng Việt Nam tại Bỉ, đồng thời khẳng định vai trò của Tổng hội trong việc gắn kết mọi người với quê hương và văn hóa Việt Nam.
Trong lời chúc mừng dành cho cộng đồng, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Văn Thảo đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Đại sứ cũng kỳ vọng vào sự phát triển tiếp theo của mối quan hệ này, đặc biệt là với chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ vào tháng 10 tới đây như một sự khẳng định cho sự phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ.
Về phần mình, Phó Quận trưởng Woluwe Saint-Pierre, bà Françoise de Callatay và Phó Quận trưởng Ixelle, ông Nabil Messaouidi cũng đã chia sẻ niềm vui khi được tham dự sự kiện này, thể hiện sự đa dạng và hòa nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Françoise de Callatay cho biết đây là lần đầu tiên bà được tham dự sự kiện Tết Việt, một truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt Nam và bà rất xúc động. Quận Woluwe Saint-Piere có rất nhiều cộng đồng mang quốc tịch khác nhau cùng sinh sống. Tết Việt góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của người dân địa phương.
Chương trình "Xuân yêu thương" còn được tô điểm bởi các tiết mục văn nghệ đặc sắc, do các nghệ sỹ Việt Nam tại châu Âu biểu diễn.
Từ những ca khúc truyền thống đến các tiết mục múa dân gian, mỗi phần trình diễn đều mang đậm tinh thần và bản sắc văn hóa của Việt Nam. Khán giả không chỉ được hòa mình vào không gian văn hóa đa dạng mà còn lắng đọng trong những giai điệu quen thuộc gợi nhớ về mùa Xuân quê hương.
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia đầy nhiệt tình của các em nhỏ sinh ra và lớn lên tại Bỉ. Với bài hát "Ngày Tết quê em," các em đã góp phần làm cho không khí của chương trình trở nên rộn ràng và ấm áp hơn bao giờ hết.
Dù tiếng Việt còn chưa thành thục, nhưng sự cố gắng và lòng nhiệt huyết của các em đã làm cho mỗi lời chúc Tết ông bà, bố mẹ trở nên ý nghĩa và đặc biệt hơn khi được bày tỏ bằng tiếng Việt.
Là những đứa trẻ mang hai dòng máu Việt-Bỉ, cháu Jack Feijen (16 tuổi) và Aurone Diễm Hạnh Duchesne (10 tuổi) rất thích thú khi lần đầu tiên được mặc áo dài truyền thống Việt Nam và tham dự sự kiện Tết Việt. Với các cháu, đây là dấu ấn đặc biệt, là sợi dây gắn kết các cháu với cội nguồn Việt Nam.
Với những hoạt động mang tính văn hóa sâu sắc và ý nghĩa, chương trình "Xuân yêu thương" đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa Việt tại Bỉ, đồng thời tạo nên một không gian sum vầy, gắn kết cho cộng đồng người Việt tại nơi đất khách quê người. Sự kiện cũng là một hoạt động quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam trong lòng các thế hệ trẻ./.
Rộn ràng Lễ hội Tết Việt Nam-Xuân Quê hương tại tỉnh Hyogo
Ban tổ chức dự kiến khoảng 80.000 người tới lễ hội để thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn áo dài, các hoạt động văn hóa dân gian giàu bản sắc văn hóa Việt và các món ăn Việt.