Xuân về trên công trường trang trại phong điện đầu tiên ở Tây Nguyên

Hàng trăm công nhân đang chạy đua với thời gian, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục để đưa công trình hoàn thành mục tiêu hòa vào lưới điện Quốc gia vào quý 2/2019.
Xuân về trên công trường trang trại phong điện đầu tiên ở Tây Nguyên ảnh 1Dự án Trang trại phong điện Tây Nguyên đã hoàn thành 70% các hạng mục giai đoạn 1, dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Không khí mùa Xuân đã rộn ràng khắp nẻo đường. Trên công trường trang trại phong điện Tây Nguyên, xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), hàng trăm công nhân đang chạy đua với thời gian, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục để đưa công trình hoàn thành mục tiêu hòa vào lưới điện quốc gia vào quý 2/2019.

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp năng lượng gió (HBRE) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết trang trại phong điện Tây Nguyên là công trình điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên, dự án do HBRE làm chủ đầu tư.

Tổng thầu Công ty Cổ phần giải pháp tòa nhà thông minh IBS và Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) là đơn vị cung cấp thiết bị, tuabin.

[Đầu tư 6.000 tỷ đồng xây nhà máy điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên]

Dự án được triển khai qua ba giai đoạn (từ năm 2017-2022) tổng công suất 436MW với 132 tuabin, nguồn vốn đầu tư cho dự án gần 13.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án đang thi công theo đúng tiến độ, đã hoàn thành 70% các hạng mục gồm nhà làm việc, trạm biến áp 110kV, ba tuabin và hệ thống đường dây đấu nối 22kV và 110kV. Dự kiến tháng 6/2019, toàn bộ 12 tổ máy của giai đoạn 1 sẽ hoàn thành hòa lưới điện quốc gia với công suất 28,8 MW, sản lượng điện 108 triệu kWh/năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, để dự án hoàn thành đúng tiến độ, nhà thầu đã khắc phục mọi khó khăn. Cụ thể là việc vận chuyển các thiết bị tuabin, cánh quạt dài 58m từ các cảng biển Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bà Rịa-Vũng Tàu về huyện Ea H’leo phải qua nhiều khu vực có đèo, dốc quanh co.

Xuân về trên công trường trang trại phong điện đầu tiên ở Tây Nguyên ảnh 2Công nhân hối hả thi công trụ móng tua bin. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Thời tiết ở Tây Nguyên với hai mùa mưa và khô rõ rệt, sáu tháng mùa mưa ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình. Tuy nhiên, các nhà thầu đã hoàn thành việc vận chuyển 100% thiết bị của dự án về tập kết tại xã Dliê Yang, huy động hơn 100 công nhân, kỹ sư làm việc hết công suất ngày ba ca trên các công trường.

Tại công trường thi công móng trụ tuabin số 9, tại thôn 4, xã Dliê Yang, không khí lao động trên công trường đang khẩn trương. Từng nhóm 3-4 công nhân vận chuyển những cây sắt dài khoảng chục mét lên các đỉnh đồi. Tiếng máy hàn, máy trộn bêtông rộn vang, những cánh tay cẩu khổng lồ vươn cao hàng chục mét đưa những cánh quạt lên cao để gắn vào tuabin tạo không khí rộn rã trên các sườn đồi những ngày Xuân về.

Chỉ huy trưởng Dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên Nguyễn Hữu Dũng cho biết phần lớn các tuabin được thi công trên các đồi cao nên việc đưa phương tiện, nguyên vật liệu đến công trình mất nhiều thời gian. Tranh thủ thời điểm thời tiết nắng ráo, các đơn vị tập trung nhân công tăng ca, làm việc hết công suất thi công móng các trụ điện gió để đảm bảo tiến độ.

Theo anh Nguyễn Hữu Dũng: “Để thi công một móng của một tuabin cần khoảng 1.700 tấn bêtông cốt thép, 30 công nhân làm ngày ba ca trong thời gian hơn một tháng nếu thời tiết thuận lợi.

Theo anh Nguyễn Cường, cán bộ Kỹ thuật HBRE, phần lớn cán bộ, kỹ sư thi công công trình đều là người Bắc, anh em mong muốn được đón Tết cùng gia đình, bạn bè ở quê. Nhưng với quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ của công trình, công nhân chăm chỉ, mệt mài lao động, vui vẻ an tâm công tác trên công trường.

Xuân về trên công trường trang trại phong điện đầu tiên ở Tây Nguyên ảnh 3Cánh quạt tua bin gió dài 58m đã được vận chuyển đến công trường chờ lắp đặt. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc HBRE, cho biết Trang trại phong điện Tây Nguyên được xây dựng tại huyện Ea H’leo một trong những địa phương có nguồn năng lượng gió tốt và ổn định nhất Việt Nam với sức gió đạt từ 7-7,5m/giây. Với tốc độ gió như hiện tại sau khi hoàn thành các tổ máy có thể hoạt động đạt công suất 100%.

Để kiểm tra đo tốc độ gió, HBRE đã đầu tư đưa vào sử dụng máy đo gió Lida công nghệ mới và mua dữ liệu gió của NaSa trong thời gian 14 năm. HBRE tiên phong trong việc tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật mới, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của dự án 100% là người Việt. Công ty có lực lượng kỹ sư, công nhân lành nghề, phương tiện hiện đại, luôn tuân thủ các quy trình, an toàn trong lao động, sẽ đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dliê Yang-Ksor Y Thông cho biết để thi công dự án điện gió, đơn vị đã sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, làm mới nhiều tuyến đường liên xã, đường vào các rẫy, đồi càphê. Các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi việc thi công dự án đã được đền bù thỏa đáng, tạo thêm việc làm cho người dân. Ông Ksor Y Thông hy vọng sau khi dự án hoàn thành, xã nông thôn mới Dilê Yang sẽ thay đổi nhiều hơn, nhiều khách sẽ đến tham quan du lịch tại địa phương, đây cũng là cơ hội phát triển kinh tế-xã hội.

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, Mặt Trời là hướng đi mới nhiều tiềm năng tại tỉnh Đắk Lắk, góp phần giải quyết bài toán thiếu điện trọng mùa khô và đặc biệt khi Bộ Công Thương quyết định tạm dừng cấp phép các dự án thủy điện có tác động tiêu cực đến môi trường ở Tây Nguyên.

Một mùa Xuân nữa lại về, trên cao nguyên Đắk Lắk “đầy nắng và gió,” không khí hối hả, quyết tâm của các kỹ sư, công nhân trên công trường, những trụ tuabin, cánh quạt gió đầu tiên đã được dựng trên những sườn đồi ở Ea H’leo mang Xuân về gần hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục