Xuân về, Tết đến ở nơi mái ấm phụng dưỡng người có công

Không khí đón Xuân mới Kỷ Hợi 2019 đã tràn về khắp không gian Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng, nơi đang phụng dưỡng 57 người có công không nơi nương tựa.
Xuân về, Tết đến ở nơi mái ấm phụng dưỡng người có công ảnh 1Kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho các cụ tại trung tâm. (Ảnh: Lê Lâm/Vietnam+)

Không khí đón Xuân mới Kỷ Hợi 2019 đã tràn về khắp không gian Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng.

Những chậu hoa cúc, hoa ly, mai vàng đang chúm chím “chực chờ” đúng Tết để bung nhụy khoe sắc; cây quất cảnh với lộc chồi non, quả to trĩu cành đang được cán bộ, nhân viên Trung tâm trang trí gắn những thiệp chúc Tết, mừng Năm mới, trên các cành lá và được sắp đặt trong khuôn viên, tạo nên một “vườn Xuân” thật đẹp để người có công, không nơi nương tựa ở Trung tâm được vui Xuân đón Tết Cổ truyền của dân tộc.

Mồ hôi nhễ nhại, hai tay còn đang dính đất, nhưng vẫn tất bật với công việc dọn dẹp, trang hoàng trong khuôn viên trung tâm, chị Nguyễn Thị Tú, Giám đốc Trung tâm phụng dưỡng người có công thành phố Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi đang dọn dẹp trang trí chuẩn bị lại vườn cây cảnh tại trung tâm để các cụ có nơi dạo chơi, ngắm hoa thư giãn trong những ngày Tết đến Xuân về. Các cây cảnh ở đây, do chúng tôi tự chăm sóc, nhiều cây đã được các cụ tự đem về trồng và chăm sóc trong vườn, đến mùa Xuân này đã bắt đầu nở hoa nên các cụ rất phấn khởi."

Phó Giám đốc Trung tâm Trần Văn Nam cho biết, Trung tâm hiện đang phụng dưỡng 57 người có công không nơi nương tựa, người ít tuổi nhất là 58 tuổi, cụ cao tuổi nhất là 99 tuổi, trong đó có hơn 30 người sức khỏe yếu, nằm tại chỗ phải chăm sóc phục vụ tận giường. Mỗi buổi sáng hàng ngày, tùy theo sức khỏe từng người, các cụ được tập thể dục dưỡng sinh, tắm nắng, thăm khám, kiểm tra sức khỏe và điều trị vật lý trị liệu.

Những tia nắng mùa Xuân len lỏi qua những cành, lá trong khu vườn làm cho Trung tâm nơi các cụ sinh sống bừng sáng, ấm áp hơn. Xung quanh là những dãy phòng ở sạch đẹp, hàng ngày được các nhân viên làm vệ sinh sạch sẽ. Mỗi phòng ở, nơi sinh hoạt của các cụ được trang bị đầy đủ các thiết bị như giường chiếu, chăn màn, tủ quần áo, bàn ghế, tivi để phục vụ nhu cầu giải trí, xem tin tức; nước nóng, máy lạnh đều được lắp đặt sẵn sàng trong phòng để các cụ tiện sử dụng.

Cô Nguyễn Thị Ái Mỹ (76 tuổi) thương binh hạng 4, năm nay đã có 58 năm tuổi Đảng, hiện ở tại trung tâm cho biết: "Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng, người có công ở trung tâm được quan tâm chăm sóc tận tình, chu đáo; ngày nào cũng được theo dõi sức khỏe, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ; cán bộ, nhân viên Trung tâm thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện đã tạo ra niềm vui, sức khỏe và tinh thần thoải mái cho người có công ở đây."

Xuân về, Tết đến ở nơi mái ấm phụng dưỡng người có công ảnh 2Bữa ăn của người có công tại trung tâm luôn đầy đủ rau xanh, thịt, cá để đảm bảo dinh dưỡng. (Ảnh: Lê Lâm/Vietnam+)

Phó Giám đốc Trung tâm Trần Văn Nam cho biết thêm, từ năm 2019, chế độ ăn uống cho người có công tại trung tâm đã được thành phố nâng lên từ 1,2 lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, tiền ăn này được dành cho bữa trưa và chiều; còn phần ăn sáng thì trung tâm chi từ số tiền quỹ thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà của các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân cho các cụ trong năm.

Y sỹ Đặng Thị Thanh Huyền vừa đi đo huyết áp cho các cụ nằm tại giường bệnh về, lại bắt tay ngay vào việc tập vật lý trị liệu cho các cụ sức khỏe đang không tốt. Miệng nói tay làm, chị vui vẻ cho biết, các cụ lớn tuổi nên huyết áp nhiều khi thất thường, nghe cụ nào mệt là mình phải chạy đi kiểm tra sức khỏe ngay để còn kịp thời phát thuốc. Các cụ mỗi người mỗi cảnh và đều già yếu, không nơi nương tựa nên các cán bộ, nhân viên ở đây đều coi các cụ như cha mẹ ruột, chăm lo cho các cụ trong mọi việc.

Niềm vui của nhân viên là các cụ trong trung tâm được khỏe mạnh, vui vẻ, chị Thanh Huyền bộc bạch về kỷ niệm nhớ mãi với cụ Trần Thị Hoa, năm nay 90 tuổi, cụ đã 3 lần bị tai biến, liệt nữa người nằm tại chỗ, nhưng nhờ chị đêm hôm túc trực, chăm sóc từ ăn uống, vệ sinh vết thương, sinh hoạt hàng ngày nên giờ cụ đã khỏe lại và có thể ngồi dậy được. Lúc nào thấy chị đến thăm là cụ lại luôn miệng cảm ơn; nhìn cụ, chị xúc động, ôm cụ vào lòng thủ thỉ đó là việc con cần làm mà; từ đó đã tạo ra nhiều niềm vui để chị quyết tâm theo đuổi công việc mình đã chọn, dù có khó khăn, vất vả, khuya sớm.

Cụ Nguyễn Ngọc Nhỏ (86 tuổi) người có công nuôi dấu cán bộ Cách mạng đã ở Trung tâm được 11 năm, đang ngồi trên xe lăn ngắm nhìn khu vườn nhỏ vào xuân với nhiều loại hoa đang rực rỡ khoe sắc. Cụ nói trong niềm vui, mấy năm trước cũng có hoa, cây cảnh, nhưng năm nay khu vườn đẹp lạ và nhiều hoa hơn.

Tiếng chuông leng keng báo giờ ăn trưa cho các cụ đã đến, trong nhà ăn tập trung, cơm canh nóng hổi, được chia thành từng phần ăn, xếp ngay ngắn trên bàn. Trong bữa ăn có đủ các thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng như cá, thịt, rau xanh; hôm nay còn có thêm một món ăn rất đặc biệt của ngày Tết là bánh chưng do các đoàn viên, thanh niên các cơ quan, đơn vị vừa đến thăm hỏi, tặng các cụ.

Những chiếc xe đẩy nhỏ lăn bánh, chuyển các phần ăn đến tận giường cho các cụ không đi lại được, nhân viên lại tất bật chuẩn bị đút từng thìa cơm, thức ăn cho các cụ không thể tự xúc ăn. Chị Đặng Thị Hồng có 17 năm công tác tại trung tâm nói: "Các nhân viên tại trung tâm đều xem các cụ như người thân trong gia đình, quan tâm, lo lắng chăm sóc cho các cụ chu đáo nhất; nhiều lúc về nhà rồi sực nhớ chưa lấy quần áo phơi, hay lấy nước để sẵn cho các cụ uống thì lại gọi điện nhờ đồng nghiệp làm giúp. Người già tính khí thường thay đổi, lúc nhớ lúc quên, có cụ vừa mới ăn xong lại nói chưa ăn, nên đôi lúc bị các cụ quát mắng, la rầy là chuyện thường; nhân viên ở đây đã rất hiểu tâm lý các cụ nên lại dỗ dành, nói chuyện vui, động viên là các cụ vui vẻ lại."

Chị Đặng Thị Hồng khẳng định: "chúng tôi coi đây là bổn phận, trách nhiệm 'Đền ơn đáp nghĩa' của lớp hậu thế đối với những người đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, hy sinh, có nhiều đóng góp cho đất nước, vậy nên làm gì được để các cụ vui, khỏe là chúng tôi đều làm hết sức mình. Nhờ vậy, người có công ở đây luôn có được tinh thần thoải mái, sống vui khỏe, yêu đời hơn đã góp phần giúp thành phố Đà Nẵng làm tốt công tác phụng dưỡng người có công trên địa bàn."

Phó Giám đốc Trung tâm Trần Văn Nam cho biết, trước trong và sau Tết ở trung tâm các cán bộ, nhân viên đã được phân lịch túc trục để chăm sóc, đón Xuân vui Tết cùng các cụ. Hội trường trung tâm đã được trang trí cờ, hoa rực rỡ với các khẩu hiệu mừng Đảng đón Xuân, có tivi màn hình lớn để phục vụ các cụ xem các chương trình Tết và để cả Trung tâm cùng nhau đón Giao thừa, thưởng thức các món ẩm thực ngày xuân, nghe Chủ tịch nước chúc Tết và để cán bộ, nhân viên được mừng tuổi các cụ, chúc sức khỏe, trường thọ đến các cụ tại trung tâm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục