Xuân Thủy: Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam

Từ một thanh niên trí thức yêu nước làm thơ, viết báo đến khi trở thành một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, nhà báo Xuân Thủy luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng dân tộc.
Xuân Thủy: Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy (người đang phát biểu) - Trưởng đoàn Việt Nam đàm phán tại Paris năm 1968. (Ảnh tư liệu:btlsqsvn.org.vn)

Cuộc đời nhà cách mạng Xuân Thủy gắn với nhiều trọng trách khác nhau, thành công ở các vị trí khác nhau, trong đó ông nổi tiếng là ở cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris.

Nhưng mãi mãi, với những người làm báo Việt Nam, ông là một nhà báo xuất sắc, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam. Ông mất ngày 18/6/1985, cách đây 35 năm.

Một nhà báo cách mạng

Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, nhà báo Xuân Thủy là đại diện tiêu biểu của lớp thanh niên Hà Nội trong việc giác ngộ chủ nghĩa Marx-Lenin, lý tưởng cách mạng vô sản, có lẽ một phần bởi ông xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước.

Ông tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2/9/1912 tại làng Canh, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cha ông từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục hồi đầu thế kỷ XX và đã truyền lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho con trai mình.

Ông và các cộng sự đã tiến hành tổ chức những lớp học chữ quốc ngữ vào ban đêm; lập những nhóm đọc sách, báo tiến bộ; tổ chức các cuộc míttinh chống sưu cao, thuế nặng, đòi cơm áo, hòa bình… cho nhân dân.

Ngoài 20 tuổi, ông bắt đầu làm ký giả, có bài đăng trên các báo “Tin tức,” “Đời nay”… là thông tin viên cho tờ Trung Bắc Tân văn và từ năm 1932 hoạt động cách mạng thông qua báo chí.

Bút danh Xuân Thủy ra đời trong thời kỳ này và trở thành tên gọi của ông cho đến khi qua đời.

Từ năm 1938 đến 1943, vì những hoạt động chống thực dân, ông nhiều lần bị bắt giam, bị đưa đi lưu đày. Ắp đầy khát vọng độc lập tự do cho dân tộc, hiểu rõ sức mạnh của nghề báo cùng niềm đam mê cầm bút, trong nhà tù Sơn La, ông cùng bạn tù là nhà báo Trần Huy Liệu tiếp tục bí mật làm tờ Suối Reo, ra 2 tháng một số, động viên các bạn tù kiên trì vượt khó, chờ đợi thời cơ cách mạng.

Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941 khi vẫn ở trong tù.

Cùng năm đó, Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp ở núi ngàn Việt Bắc. Đảng chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng, giương cao ngọn cờ dân tộc, đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc.

Những sự kiện này là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam và cũng là sự kiện đặc biệt đối với riêng ông.

[Hồ Chí Minh - người sáng lập, nhà báo vĩ đại của báo chí Cách mạng VN]

Sau hội nghị, ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc - cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh ra đời. Hai năm sau, ông được thả và trở lại hoạt động cách mạng trong phong trào Việt Minh, được cử làm Chủ nhiệm tờ Cứu quốc.

Lúc này ông phụ trách tờ báo trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh. Từ đây và nhiều năm sau đó, ông dành nhiều tâm lực cho việc tổ chức và phát triển báo Cứu quốc với những bài báo, trang báo, số báo nóng bỏng khí phách cách mạng và hồn non nước, mở ra một trang sử mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Một cây bút sắc sảo

Gắn bó với nghiệp cầm bút, nhà báo Xuân Thủy thường viết xã luận và bình luận, viết ca dao bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông viết hàng nghìn bài trên mặt báo trong thời kỳ chống thực dân Pháp với lời văn hùng hồn, tha thiết, mạch lạc.

Xuân Thủy: Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam ảnh 2Nhà báo Xuân Thủy (người quàng khăn ngồi giữa) và đồng nghiệp khi làm báo Cứu Quốc tại Chiến khu Việt Bắc. (Ảnh: Tư liệu)

Đặc biệt, trong những giờ phút quan trọng nhất của lịch sử dân tộc, với tư cách một nhà báo cách mạng, ông luôn kịp thời cho ra mắt những bài viết độc đáo.

Tối ngày 19/12/1946, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, cũng là lúc báo Cứu quốc chuẩn bị cho ra số đặc biệt với lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài xã luận ký tên Xuân Thủy trên trang nhất báo Cứu quốc.

Những tác phẩm này đã trở thành tư liệu vô cùng quý giá đối với nền báo chí cách mạng những năm đầu kháng chiến.

Những năm sau đó, trên báo Cứu quốc liên tục xuất hiện tác phẩm của ông viết về những vấn đề cấp bách, những sự kiện có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của đất nước.

Những bài viết chứa đựng tính nhân văn, dân tộc và tính chiến đấu cao, ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân ta, kêu gọi nhân dân đoàn kết, ủng hộ kháng chiến; lên án tội ác và vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc.

Nhà tổ chức báo chí tài ba

Khi nhận nhiệm vụ tại báo Cứu quốc, nhà báo Xuân Thủy nhanh chóng đề ra chiến lược mới cho việc phát triển của báo, trong đó luôn chú trọng đến nhiệm vụ chính trị quan trọng là tuyên truyền đường lối cách mạng, cổ vũ nhân dân đứng lên đấu tranh.

Từ những thông tin mà báo Cứu quốc cung cấp, những chủ trương, đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng sớm đến được với nhân dân, được nhân dân đón nhận và tổ chức thực hiện rất hiệu quả, tạo nên sức mạnh vô địch trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám 1945.

Cuối năm 1945, nhà báo Xuân Thủy vận động các ông Nguyễn Đức Thuyết, Chủ nhiệm báo Vì nước ra đời sau Cách mạng Tháng Tám và nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân, tham gia thành lập tổ chức của người làm báo Việt Nam.

Tại cuộc họp trù bị ở trụ sở báo Cứu quốc có nhiều đại diện các báo đoàn thể và tư nhân lúc đó ở Hà Nội, Hải Phòng tham gia, nhà báo Xuân Thủy thông báo “Cụ Chủ tịch (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) rất hoan nghênh việc thành lập tổ chức của các nhà báo Việt Nam.

Ông nhắc lại lời Cụ: “Người làm báo cũng là chiến sĩ, người cầm bút, cầm súng, cầm gươm phải đoàn kết trong một mặt trận để cùng toàn dân kiến quốc và cứu quốc”. Sau đó, Đại hội báo giới được tiến hành theo chương trình nghị sự, “Đoàn báo chí Việt Nam” ra đời.

Theo đề cử của ông, nhà báo Nguyễn Tường Phượng được giữ chức Chủ tịch Đoàn. Trên cơ sở đó, năm 1950, tại Quảng Nạp (thuộc chiến khu Việt Bắc), ông lại đứng ra triệu tập các nhà báo, mở Đại hội thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam” (từ năm 1959 đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam) và ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông vừa trực tiếp điều hành hoạt động báo Cứu quốc, vừa giữ vai trò tổ chức, kiến tạo hệ thống báo chí của mặt trận, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về thông tin, tuyên truyền.

Dưới sự điều hành trực tiếp của ông, các chi nhánh báo Cứu quốc ở các chiến khu hoạt động rất hiệu quả, phản ánh kịp thời tình hình chiến sự và cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta trên khắp các nẻo đường cách mạng.

Ông đã quy tụ được nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sỹ tên tuổi, như Văn Cao, Như Phong, Đỗ Phồn, Chế Lan Viên, Tú Mỡ, Tô Hoài, Trần Đình Thọ… làm biên tập viên, cộng tác viên của tờ Cứu quốc Trung ương và báo Cứu quốc Khu, Liên Khu.

Tinh thần làm việc quên mình của các phóng viên nhà báo tâm huyết, tài năng đã giúp báo Cứu quốc cho ra mắt 3.000 bản/ngày. Sự phát triển rộng khắp của báo Cứu quốc đã đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc kháng chiến, là nơi thể hiện ý Đảng, lòng dân trong cuộc chiến chống quân thù, là kết quả đáng tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam những năm đầu non trẻ.

Đặc biệt, với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ những ngày kháng chiến gian khổ, nhà báo Xuân Thủy đã bắt tay mở lớp đào tạo, bồi dưỡng những người viết báo cách mạng.

Theo sáng kiến của ông và sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu năm 1949, lớp dạy học báo chí cách mạng mang tên Huỳnh Thúc Kháng thành lập, được coi là khóa dạy báo chí cách mạng đầu tiên ở Việt Nam.

Lớp học đặt tại xóm Bờ Rạ (Đại Từ, Thái Nguyên), đường đến lớp rất xa, hiểm trở, nhưng vẫn được các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Tố Hữu… lần lượt đến giảng bài. Riêng Bác Hồ 3 lần gửi thư thăm hỏi, động viên, dặn dò học viên trong sự quan tâm, trìu mến đặc biệt.

Nhà báo Xuân Thủy cũng có những đóng góp quan trọng trong chỉ đạo, trực tiếp chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước, như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…

Ngày 18/6/1985, trước khi ông đột ngột ra đi tại nhà riêng, ông đang viết lịch sử báo Cứu quốc.

Hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, trải qua bao thử thách khắc nghiệt, bắt đầu từ một thanh niên trí thức yêu nước làm thơ, viết báo với ước vọng dùng ngòi bút “xoay vần thời thế” đến khi trở thành một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, nhà cách mạng Xuân Thuỷ luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ông như một vì sao còn mãi giữa lòng dân tộc, giữa quê hương, như trong một câu đối: “Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận / Thủy lưu, thủy chuyển, thủy trường tồn”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục