Xuân Giáp Thìn 2024: Nơi "xứ người" nhớ hương vị Tết Việt

Chị Nguyễn Phương Thị Thảo, Việt kiều Mỹ, cho biết năm nay, cái Tết mang trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên khi gia đình chị đón bố đẻ chị từ Việt Nam sang và con cháu được về nhà vì Tết vào cuối tuần.

Gia đình chị Nguyễn Phương Thị Thảo và anh James chụp ảnh bên cây đào cảnh tại khu chợ Việt. (Ảnh: Kiều Trang/TTXVN)
Gia đình chị Nguyễn Phương Thị Thảo và anh James chụp ảnh bên cây đào cảnh tại khu chợ Việt. (Ảnh: Kiều Trang/TTXVN)

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, chị Nguyễn Phương Thị Thảo, Việt kiều Mỹ tại Washington D.C, lại tranh thủ đưa cả gia đình đi sắm Tết ở khu chợ Việt để cùng nhau tìm lại hương vị Tết quê nhà và nhắc nhớ cho các con cháu của mình về những nét đẹp văn hóa của dân tộc trong ngày Tết.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Washington, chị Thảo cho biết năm nay, cái Tết mang trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên khi gia đình chị Thảo và anh James được đón bố đẻ chị từ Việt Nam sang và các con cháu lại được về nhà vì Tết vào dịp cuối tuần.

Chị Thảo đã sang Mỹ làm việc cho làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) và sinh sống ở bang Virginia được gần 20 năm nay. Lần đầu tiên ăn Tết Việt cùng gia đình con gái tại Mỹ, cụ Nguyễn Hoàng Nghĩa - bố của chị Thảo, cũng cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ nhà khi được các con cháu đưa đi sắm Tết trong không khí thân quen ở khu chợ Việt thuộc bang Virginia nước Mỹ.

Cụ Nghĩa chia sẻ: “Không khí Tết ở Mỹ cũng khá đầy đủ những mặt hàng Tết như ở Việt Nam. Qua buổi đi sắm Tết cùng với các con cháu, tôi có thể dạy cho con cháu về những phong tục truyền thống trong ngày Tết ở Việt Nam, giúp các cháu biết cần phải trang hoàng nhà cửa sạch đẹp trong ngày Tết, phải sắm chậu hoa, cành đào, cành mai… Phải dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, trẻ con sẽ được người lớn lì xì lấy may đầu năm…”

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo cũng xúc động khi nói về không khí ngày Tết ở Mỹ, vốn là người con của Hà Nội nên chị Thảo vẫn nhớ những thứ mà ở Mỹ còn thiếu trong dịp Tết Việt như cành đào, cây quất, lá dong… "Ở Mỹ khó để có thể luộc bánh chưng tại sân nhà hay trên phố như Việt Nam vì liên quan đến an toàn phòng cháy chữa cháy, cũng không có họ hàng , đầy đủ gia đình để đến chúc Tết, trẻ con không được nhận lì xì… nên mình vẫn rất nhớ không khí Tết quê nhà.”

Có lẽ vì không được đủ đầy và trọn vẹn như không khí Tết ở quê nhà nên chị Thảo luôn cố gắng duy trì việc gói bánh chưng, đưa cả nhà đi sắm Tết để nhắc nhớ hương vị Tết của người Việt cho các con các cháu.

ttxvn_tet_doan_vien_“hiem_co”_cua_gia_dinh_chi_thao_anh_james1.jpg
Cả gia đình chị Nguyễn Phương Thị Thảo thắp hương cúng lễ tổ tiên trong ngày Tết. (Ảnh: Kiều Trang/TTXVN)

Năm nay chợ Tết của người Việt ngoài những sản vật ngày Tết quen thuộc, bày bán những bộ áo dài dân tộc truyền thống, còn được trang hoàng 1 khu để treo các câu đối Tết để mọi người có thể hiểu được đạo hiếu phong tục ngày Tết của người Việt. Điều này khá mới lạ với những đứa trẻ Việt được sinh ra, lớn lên tại Mỹ và chưa một lần được ăn Tết tại Việt Nam như cháu Cẩm Tú.

Cẩm Tú chia sẻ với chúng tôi bằng vốn tiếng Việt ít ỏi đôi lúc pha với tiếng Anh những từ cháu không biết: “Hôm nay cháu được biết thêm về những loài hoa hay được bày cho ngày Tết như hoa Cúc, hoa Dơn, hoa Thủy tiên,…cháu sẽ cố gắng học tiếng Việt để biết chữ để có thể tự tìm hiểu thêm về ngày Tết ở Việt Nam vì cháu mới chỉ biết nghe hiểu một chút tiếng Việt thôi và năm nay đã 15 tuổi nhưng cháu chưa bao giờ được về ăn Tết ở Việt Nam…”

Không khí gia đình sum họp, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong những ngày Tết và những món ăn đặc trưng ngày Tết Việt … Tết với bánh chưng xanh và câu đối đỏ.

Với anh James chồng chị Thảo, Tết Việt đã trở nên rất đỗi thân quen. Tết với anh không thể thiếu chiếc áo dài đỏ mà anh rất yêu thích, anh luôn chọn mặc áo dài màu đỏ trong những dịp lễ đặc biệt của Việt Nam.

Năm nay, anh James còn mua thêm chiếc áo dài có thêu hình Rồng vì anh biết năm nay là Tết Giáp Thìn 2024. Anh James Gaites nói: “Tôi đã đến Việt Nam 2 lần nhưng chưa lần nào được ăn Tết ở Việt Nam. Vợ tôi là một đầu bếp giỏi nên tôi rất thích các món ăn Việt Nam, tôi thích ngày Tết được ăn bánh chưng do vợ tôi làm. Tết năm nào tôi cũng ngồi gói bánh chưng cùng vợ, nấu rất nhiều cái bánh chưng. Vợ tôi hay rán bánh chưng nhưng tôi thích ăn bánh chưng luộc hơn….”

Những gia đình người Việt, nhất là những người gốc Bắc, vẫn còn thiếu một số thứ quen thuộc không mua được ở chợ Tết Việt tại Mỹ như lá dong, cành đào, cây quất… Trẻ con không mấy khi được quây quần bên bếp củi luộc nồi bánh chưng xanh giống như tuổi thơ của chị Thảo ở Hà Nội…

Những ký ức đẹp về ngày Tết của những người con xa quê sẽ không bao giờ mai một, nỗi nhớ ấy sẽ còn mãi theo thời gian và truyền lại cho các thế hệ con cháu. Nhớ về Tết là nhớ về văn hóa, nhớ về nét đẹp truyền thống mang bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục