Ngày 19/11, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB) và 11 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng," "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.
Vụ án này được xem lại giai đoạn hai của vụ án kinh tế xảy ra tại DAB. Trước đó, sau hai tuần xét xử và nghị án, chiều 13/7, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung do có một số chứng cứ không thể làm rõ trong quá trình xét xử tại tòa.
Cụ thể, Hội đồng xét xử đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tách toàn bộ hành vi sai phạm của Trần Phương Bình và đồng phạm liên quan đến khoản vay cho nhóm khách hàng Công ty Hiệp Phú Gia và Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh (gọi tắt là nhóm TTC - do Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo điều hành với 11 tổ chức và 16 cá nhân), gây thiệt hại hơn 3.139 tỷ đồng, để điều tra bổ sung.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tách hành vi phạm tội liên quan đến khoản vay gây thiệt hại hơn 3.139 tỷ đồng xử lý sau khi bắt được Nhân (đang bị truy nã) và ban hành cáo trạng mới truy tố Trần Phương Bình và các đồng phạm.
[Phiên tòa DAB giai đoạn 2: Tuyên trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung]
Theo cáo trạng được kiểm sát viên công bố tại phiên tòa hôm nay, trong khoảng thời gian từ năm 2007-2013, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo trong vụ án và các đối tượng liên quan thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc cho bốn nhóm khách hàng gồm các Công ty Hiệp Phú Gia và Công ty Thái Thịnh (gọi tắt là nhóm TTC), Đồng Tiến, nhóm M&C, Tân Vạn Hưng vay, gây thiệt hại cho ngân hàng 8.751 tỷ đồng.
Bị cáo Bình đã bàn bạc với các nhóm khách hàng gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Thịnh (TTC) Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty M&C Phùng Ngọc Khánh... để dùng nhiều pháp nhân vay tiền của DAB.
Ngoài ra, Trần Phương Bình đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 75,6 tỷ đồng, khi nhờ một số cá nhân đứng tên vay tiền tại DAB rồi chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu, nộp khống, chiếm đoạt của DAB số tiền này nhằm trả các khoản nợ.
Trần Phương Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB bị lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Ở giai đoạn một của vụ án, Trần Phương Bình và 25 đồng phạm đã có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái quy định gây thiệt hại cho DAB 3.608 tỷ đồng và Trần Phương Bình đã phải nhận mức án chung thân.
Dự kiến, phiên tòa xét xử đến ngày 30/11./.