Xứ sở Sương mù tiếp nhận đoàn người tị nạn Syria đầu tiên

Ngày 22/9, Chính phủ Anh đã tiếp nhận đoàn người tị nạn đầu tiên trong số 20.000 người tị nạn Syria mà nước này cam kết sẽ tự nguyện tiếp nhận trong 5 năm tới.
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) thăm khu định cư cho người tị nạn ở thung lũng Bekaa, Liban ngày 14/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Anh ngày 22/9 đã tiếp nhận đoàn người tị nạn đầu tiên trong số 20.000 người tị nạn Syria mà nước này cam kết sẽ tự nguyện tiếp nhận trong 5 năm tới.

Tuyên bố của Văn phòng Chính phủ Anh cho hay đoàn người tị nạn nói trên đã tới nước này theo kế hoạch "Tái định cư cho những người dễ bị tổn thương," song không đề cập chi tiết có bao nhiêu người trong đoàn và những nơi nào trên lãnh thổ Anh được chọn để bố trí chỗ ở cho họ.

Theo kế hoạch, những người tị nạn này sẽ được bố trí nơi ở, được chăm sóc y tế, được học tập và được bảo vệ theo quy chế tị nạn trong 5 năm. Sau thời gian này, Chính phủ Anh có thể xem xét và cho phép họ nhập cự tại đây.

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố trong vòng 5 năm tới, nước này sẽ tiếp nhận 20.000 người tị nạn đang sống trong các lều trại tại Jordan, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu các nước thành viên cùng chia sẻ việc tiếp nhận 120.000 người di cư và tị nạn, nhằm tháo gỡ một phần cuộc khủng hoảng di cư đang làm đau đầu cả châu Âu.

Kể từ khi nổ ra xung đột tại Syria vào năm 2011 cho tới nay, Anh đã cấp quy chế tị nạn cho gần 5.000 người Syria.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Đức dẫn kết quả nghiên cứu “Bàn thảo chính sách di trú” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết khoảng 450.000 người trong số hàng trăm nghìn di cư đang đổ về châu Âu sẽ được hưởng quy chế tị nạn lâu dài. Đây sẽ là con số lớn nhất người di cư được tiếp nhận tị nạn kể từ sau Chiến tranh Thế giới II.

Thông qua việc đi sâu phân tích các xu hướng di cư mới nhất đang diễn ra và chính sách nhập cư của nhóm các nước công nghiệp phát triển là thành viên của OECD, nghiên cứu trên cho thấy từ đầu năm đến nay đã có khoảng 700.000 người nộp đơn xin tị nạn tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và con số này vào thời điểm cuối năm 2015 ước tính lên đến 1 triệu người, vượt xa mốc 630.000 người dxin tị nạn hồi năm 1992 khi xảy ra chiến tranh Bosnia-Herzegovina.

OECD đánh giá cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay là chưa từng có tiền lệ đối với các nước phát triển. Các nước xuất phát điểm di cư có hoàn cảnh khác nhau và người di cư cũng ra đi vì nhiều lý do khác nhau. Đây chính là nguyên nhân khiến việc xét các hồ sơ xin tị nạn trở nên đặc biệt khó khăn.

Trước tình hình khủng hoảng tại hàng loạt nước như Syria, Libya, Afghanistan, OECD dự báo dòng người di cư quy mô lớn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Đáng chú ý, tổ chức này cảnh báo nếu năm 2014 có tới 24.000 trẻ em và thanh thiếu niên trong dòng người di cư, đối tượng chưa đủ tuổi để nộp đơn xin tị nạn thì năm nay con số này sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov hối thúc Liên hợp quốc thể hiện vai trò tích cực hơn nữa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Theo ông Gatilov, không thể tháo gỡ khó khăn này nếu không có những nỗ lực đồng thuận, cũng như không có sự can thiệp sâu rộng hơn của Liên hợp quốc và các cơ quan trực thuộc.

Không những chỉ trích các nước phương Tây can dự vào tình hình chính trị tại Syria, khiến quốc gia này trở nên bất ổn và trở thành nguyên nhân chính đẩy người dân vào tình cảnh phải di cư, ông Gatilov còn cảnh báo các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi có thể kéo theo các vấn đề về nhân đạo.

Cũng trong ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức bàn về vấn đề người di cư tại châu Âu hiện nay, trong đó việc hai nhà lãnh đạo ủng hộ hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận 120.000 người di cư do EC đặt ra cho các nước thành viên EU, cũng như việc nỗ lực tìm cách giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra làn sóng di cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục