Xử phạt người không phân loại rác: Cần thiết nhưng phải có lộ trình

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm cần thiết và bắt buộc với mọi cá nhân, hộ gia đình. Theo đó, đến ngày 1/1/2025, nếu người dân không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Liên quan đến thông tin từ ngày 25/8/2022 các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định “đó là cách hiểu chưa đúng.” Bởi, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc xử phạt là cần thiết nhưng phải có lộ trình và đúng thời điểm.

Bắt đầu xử phạt từ năm 2025

Ngày 7/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký, ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường - thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.

Theo Nghị định trên, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải rắn; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.

Từ thông tin lan tỏa trên mạng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua, nhiều luồng ý kiến bày tỏ lo ngại việc người dân, hộ gia đình sẽ bị phạt nặng về hành vi không phân loại rác từ thời điểm trên.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, đây là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt. Thực tế, Nghị định 45 quy định xử phạt hành vi “không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định” nhưng hiện vẫn chưa có quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Cũng giống như Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, nhưng một số chế định ghi trong Luật thực hiện có lộ trình. Theo quy định của luật, ủy ban nhân dân cấp tỉnh dựa vào hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn.

[Bộ TN-MT: Năm 2025 phải cảnh báo, dự báo được ô nhiễm môi trường]

Thế nhưng, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đang chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sau khi bộ này ban hành hướng dẫn thì các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ xử lý rác ở địa phương mình để quy định chi tiết việc này.

Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Luật "cho" thời gian 3 năm để triển khai áp dụng chế tài trên.

"Như vậy, đến ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Đến thời điểm đó, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính," đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường lưu ý.

Chất thải rắn sinh hoạt phân loại thế nào?

Về cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đại diện Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) lưu ý chất thải rắn sinh hoạt được phân loại dựa trên các yêu cầu xử lý và theo 3 nhóm gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi.

Tùy theo từng khu vực, tính chất và nguồn phát sinh rác thải, trình độ dân trí, điều kiện đầu tư trang thiết bị, quy mô công nghệ xử lý chất thải sau phân loại… có thể lựa chọn những phương thức phân chia theo nhóm chất thải khác nhau cho phù hợp với từng khu vực thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Bên cạnh đó, các địa phương có thể tổ chức phân chia thêm thành các nhóm chất thải như: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải thuộc nhóm sản phẩm, bao bì tái chế theo trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, một trong những nội dung mới, đáng chú ý nhất của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là quy định thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ - tức là xả rác càng nhiều thì trả càng nhiều tiền.

Để bảo đảm tính khả thi, luật cũng đã đưa ra một số quy định. Trong đó, căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị-xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục