Kiên quyết siết "vận tải"

Xử phạt DN lắp hộp đen “lỗi” và “siết” tốc độ lái xe

Các đơn vị vận tải không lắp đặt hộp đen hoặc thiết bị không hoạt động khi lực lượng kiểm tra sẽ bị xử phạt từ ngày 1/7 tới đây.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, đơn vị vận tải lắp đặt và lỗi của lái xe đã được phát hiện qua công tác thanh kiểm tra thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen). Qua đó, lực lượng chức năng có thể tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe, thu hồi phù hiệu chạy xe và nặng nhất là tước giấy phép kinh doanh vận tải.”

Tuy nhiên, nhiều đơn vị vận tải cũng đặt ra câu hỏi, lái xe hay doanh nghiệp có thể can thiệp để xóa dữ liệu khi lực lượng kiểm tra, khả năng tích hợp thông tin dữ liệu chung của hộp đen như thế nào khi có quá nhiều đơn vị cung cấp thiết bị, cơ quan chức năng có được phép chiết xuất dữ liệu lưu trong hộp đen để xử phạt hành chính hay không?

Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra đợt I đơn vị đơn vị cung cấp thiết bị hộp đen trình và kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh về vận tải khách bằng ôtô qua thiết bị này vào chiều muộn ngày 27/5.

Hộp đen “quản” được lái xe, doanh nghiệp

Theo Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, qua kiểm tra 313 phương tiện của 7 đơn vị vận tải, đoàn thanh tra Bộ Giao thông đã phát hiện tới 40/313 thiết bị hộp đen lắp trên 40 xe không đảm bảo điều kiện đồng thời Bộ Giao thông yêu cầu Sở Giao thông thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình chạy xe.

Đáng chú ý hơn, qua thông tin, dữ liệu từ hộp đen, lực lượng Thanh tra Bộ Giao thông đã phát hiện được nhiều vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe liên tục, thời gian đón trả khách, và hành trình chạy xe.

Đơn cử như tại Quảng Ninh, kiểm tra khoảng 50 xe từ thiết bị hộp đen trong thời gian 10 ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.157 vi phạm về tốc độ, với tốc độ xe chạy lớn nhất là 126 km/ giờ (quy định tối đa là 80km/ giờ). Cá biệt, có trường hợp trong một ngày, lái xe khách vi phạm tốc độ tới 300 lần.

Ngoài ra chỉ trong một tháng tiến hành kiểm tra 7 đơn vị cung cấp thiết bị hộp đen, đoàn thành tra đã phát hiện các lỗi như không đủ năng lực về nhân lực, thiết bị phục vụ công tác sản xuất; thiết bị không theo dõi, trích xuất được đủ các thông tin bắt buộc; không đáp ứng đủ tính năng theo quy định.

“Thậm chí, có đơn vị còn gian lận trong việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa như thiết bị nhập khẩu nhưng lại kê khai là tự sản xuất lắp ráp; không sử dụng đúng phương pháp đo tốc độ,” ông Huyện đánh giá.

Bên cạnh đó, để “siết” đội ngũ lái xe và các hãng vận tải nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường bộ, ông Huyện cũng khẳng định, lái xe vi phạm 30% tốc độ hành trình thì sẽ tiến hành tước giấy phép lái xe và phù hiệu kinh doanh vận tải.

Đề cập đến việc những nhà xe đã lắp thiết bị hộp đen của những doanh nghiệp không đúng quy chuẩn theo quy định các tính năng của Bộ Giao thông, ông Huyện cho hay, sau đợt kiểm tra này, những nhà cung cấp và đơn vị thử nghiệm yếu kém, nhiều vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ, thậm chí đề nghị rút giấy phép đồng thời nhà cung cấp phải sửa chữa những thiết bị đã lắp đặt vào phương tiện.

[Thiết bị hộp đen: Lắp đặt cho có, quản lý lại buông]

Nhằm tránh thiệt thòi cho những đơn vị vận tải “lỡ” lắp hộp đen “lỗi”, ông Huyện tiết lộ: “Đã có các đơn vị sản xuất hộp đen đạt đúng quy chuẩn của Bộ Giao thông là Công ty Bình Anh, Vinh Hiển sẵn sàng đổi hộp đen lỗi để chỉnh sửa.”

Bên cạnh đó, vị Chánh Thanh tra Bộ Giao thông cũng thừa nhận, dự đoán chủ quan của Thanh tra Bộ sẽ thu hồi giấy phép của các đơn vị sản xuất, lắp đặt hộp đen “câm, điếc” là 30%. Tuy nhiên, qua các kênh thông tin, hiện nay, các đơn vị chưa bị thanh tra Bộ “sờ gáy” đã và đang tự động hoàn thiện quá trình lắp đặt hoặc sửa chữa hộp đen chưa đúng quy chuẩn.

Phạt hộp đen “lỗi” từ 1/7


Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, để ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn từ xe khách,cũng như xe tải trong quá trình tham gia giao thông, từ ngày 1/7 tới đây, 48.000 xe nằm trong diện bắt buộc lắp hộp đen sẽ được kiểm soát chặt bằng cách xử phạt.

“Đơn vị vận tải nào có lái xe vi phạm quá 30% lỗi thông qua việc trích xuất dữ liệu từ hộp đen thì doanh nghiệp đó cũng sẽ bị tước giấy phép kinh doanh,” ông Hiệp khẳng định.

Để “siết” chặt đội ngũ lái xe, từ tháng 7 đến tháng 9, Ủy ban An toàn giao thông Quốc Gia sẽ tiến hành một chiến dịch thí điểm theo dõi tốc độ của xe khách của 3 doanh nghiệp vận tải khách. Hàng ngày doanh nghiệp và Ủy ban sẽ cập nhật thông tin về tốc độ và một số lỗi vi phạm. Sau đó, Ủy ban sẽ công bố với báo chí thông tin ngay trong ngày về việc xe chạy quá tốc độ, quá bao nhiêu km/h… để báo chí cùng giám sát và theo dõi.

“Trước hết, cơ quan chức năng chỉ tiến hành xử phạt xe không lắp hộp đen và lắp thiết bị không hoạt động mà chưa xử phạt về vi phạm hành chính về giao thông qua thiết bị giám sát hình trình. Hơn nữa, trong Luật cũng chưa có quy định cho phép thanh tra, cảnh sát giao thông chiết xuất lỗi vi phạm từ hộp đen để xử phạt hành chính. Vì vậy, để phạt các vi phạm thì phải bổ sung vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an,” ông Nghiệp quả quyết.

Đồng tình quan điểm đó, ông Khuất Việt Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, từ 1/6, sẽ thực hiện thí điểm  tích hợp trích dữ liệu  từ xe đã lắp hộp đen ra để theo dõi và xử lý. Qua lần thí điểm này, Bộ Giao thông sẽ xem xét bổ sung quy định xử phạt hành chính trong quá trình sửa đổi Nghị định 71 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Theo ông Hùng, thời gian tới, Bộ Giao thông sẽ nghiên cứu, tiến hành xây dựng bản đồ số giao thông để có cơ sở phân biệt tốc độ, hành trình các đoạn đường đồng thời làm cơ sở  dữ liệu để xử phạt vi phạm hành chính.

Tại cuộc họp, nhiều các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, lực lượng chức năng sẽ hạn chế tối đa việc lái xe và doanh nghiệp tự ý can thiệp vào thiết bị để xóa lỗi vi phạm khi phương tiện lưu thông trên đường.

Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, Bộ cũng đã tính đến sai số cho phép của thiết bị hộp đen. Tuy nhiên, doanh nghiệp cố tình thì vẫn có thể tác động.

“Muốn ngăn chặn thực tế trên, các đơn vị liên quan cần phải xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu tập trung vì trong phần mềm thu nhận dữ liệu của doanh nghiệp sẽ có những thuật toán để xử lý và phân biệt mã hóa số liệu đã bị thay đổi,” vị đại diện Vụ Khoa học Công nghệ kiến nghị.

Ngoài ra, qua quá trình theo dõi thực tế của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Hiệp nhìn nhận, hiện nay, mỗi nhà cung cấp sử dụng riêng phần mềm của mình và các phần mềm này không tương thích, đồng bộ với nhau đã dẫn đến việc theo dõi, cập nhật, tổng hợp, phân tích dữ liệu gặp rất nhiều khó khăn.

Đề cập đến vấn đề này, ông Hiệp cho rằng, theo Quy chuẩn 31 mà Bộ Giao thông chứng nhận cho 52 nhà cung cấp hộp đen hợp quy, các đơn vị này đều khẳng định thiết bị hộp đen có khả năng kết nối với trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, để theo dõi chặt chẽ hơn, Bộ Giao thông đã đề nghị 3 doanh nghiệp triển khai nghiên cứu mô hình quản lý dữ liệu tập trung về máy chủ và viết phần mềm tự truy cập để báo cáo hàng ngày đồng thời chuyển máy chủ chạy thử về Ủy ban An toàn giao thông từ ngày 15/6./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục