Hình ảnh nữ sinh Hà thành đánh nhau được tung lên mạng đã gây bức xúc dư luận trong những ngày qua. Phóng viên Vietnam+ đã phỏng vấn ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh-Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, xung quanh vấn đề này. - Thưa ông, ông có suy nghĩ gì khi xem video clip nữ sinh xô xát nhau được phát tán trên mạng internet trong thời gian gần đây?Ông Ngũ Duy Anh: Trước đây, chúng tôi đã chỉ đạo xác minh, xử lý một số trường hợp học sinh đánh nhau, quay phim rồi tung lên mạng. Nhưng sau khi xem đoạn video clip này, tôi thấy hết sức bất bình, không thể tưởng tượng được là một học sinh nữ lại có những hành xử với bạn một cách côn đồ như vậy. Tôi cũng rất bất bình với thái độ dửng dưng ngồi xem của nhóm học sinh trong clip. Tuy đây chỉ là hiện tượng hết sức cá biệt nhưng cũng cho thấy một bộ phận học sinh hiện nay có những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống, rất nhiều em thiếu kỹ năng sống, thiếu kỹ năng ứng xử và xử lý các mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống thường ngày dẫn đến hành vi tiêu cực. - Theo ông, nên có cách xử lý như thế nào đối với các trường hợp này?Ông Ngũ Duy Anh: Ngay sau khi đoạn clip được phát tán trên mạng, Vụ đã có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với cơ quan công an và báo chí kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện được học sinh tham gia trong clip thì chỉ đạo xử lý thật nghiêm khác để răn đe, làm an toàn môi trường giáo dục. Bộ đã có quy chế và mỗi trường, địa phương tự chủ, có nội quy quản lý học sinh riêng, trên cơ sở đó có hình thức kỷ luật phù hợp. Tuy nhiên, lứa tuổi này tâm sinh lý các em thường bất ổn, thích thể hiện bản thân và hiếu thắng. Vì thế, quan trọng là phải giáo dục để các em nhận ra điểm sai của mình, cho các em cơ hội sửa sai, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn ôn hòa và có trật tự cho học sinh. Đây là cái cốt lõi. Bên cạnh đó, phải dạy cho các em tinh thần tập thể, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và cuộc sống. Khi bạn bè có mâu thuẫn thì phải hỗ trợ để giải quyết giảng hòa. Trường hợp thờ ơ như trong clip là rất đáng tiếc. - Đây không phải là lần đầu xuất hiện video clip nữ sinh gây gổ với nhau. Ông cho rằng điều cốt yếu là phải giáo dục kỹ năng sống cho các em. Vậy, hiện việc giảng dạy kỹ năng sống trong nhà trường được triển khai như thế nào?Ông Ngũ Duy Anh: Bộ đã triển khai giáo dục kỹ năng sống trong các trường. Chương trình này được lồng ghép vào các môn như giáo dục công dân để giáo dục lối sống, ứng xử cho các em. Có ý kiến cho rằng nên đưa giáo dục kỹ năng sống thành một môn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ, khi có thể lồng ghép thì không nên tạo thành môn riêng biệt, sẽ tạo áp lực thêm cho học sinh, nhất là khi chúng ta đang thực hiện giảm tải. Điều quan trọng nhà trường cần quan tâm nhiều tới học sinh. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường, thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm sâu sát, gần học trò hơn nữa để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, cũng như những bức xúc của các em. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng phải chú ý hơn nữa tới các em. Một số gia đình buông lỏng quản lý, giáo dục con cái cộng với những tác động tiêu cực ngoài xã hội, gây nên rất nhiều khó khăn cho nhà trường trong việc giáo dục, quản lý học sinh. - Xin cảm ơn ông./.
"Đây là hành động không thể có được ở học sinh"
Trao đổi với Vietnam+ chiều nay, 15/3, ông Phan Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông cho biết, đến thời điểm này, trường vẫn chưa nhận được báo cáo kết quả điều tra của công an Thành phố. Vì thế, chưa thể khẳng định đây có phải là học sinh của trường hay không.
“Đây thực sự là những hành động không thể có được ở học sinh. Chúng tôi đang chờ xác minh chính xác”, ông Tùng nói./.
|
Phạm Mai (Vietnam+)