Xử nghiêm doanh nghiệp khi lái xe gây tai nạn nghiêm trọng

Ngoài việc xử lý tài xế, doanh nghiệp vận tải hay chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì buông lỏng quản lý, giám sát để gây ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Xử nghiêm doanh nghiệp khi lái xe gây tai nạn nghiêm trọng ảnh 1Nhiều xe máy ngã la liệt sau cú đâm của xe bồn (Ảnh: Cộng tác viên Hà Thành)

Thời gian qua, hàng loạt các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do lái xe container, xe khách gây tâm lý hoang mang, lo sợ chỗ mỗi người đi đường và “tử thần” có thể gọi tên bất cứ lúc nào nếu như ý thức chấp hành Luật giao thông của lái xe chưa nghiêm.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc xử lý tài xế, doanh nghiệp vận tải hay chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì buông lỏng quản lý, giám sát. Và, mức phạt cần phải được nâng lên, có thể xử lý hình sự hóa thay vì chỉ thanh kiểm tra và xử phạt như hiện nay.

Siết chặt khâu cấp bằng lái

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong sát hạch đào tạo cấp giấy phép lái xe ôtô, nếu có lỗi sẽ đánh trượt.

Hiện tại, bộ đề thi trong phần thi lý thuyết sát hạch lái xe có 450 câu. Trong năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đưa thêm vào 100 câu hỏi trong phần thi lý thuyết. Trong đề thi 45 câu, nếu có 1 câu điểm liệt thì dù làm đúng 44 câu còn lại cũng sẽ trượt. Về học lý thuyết, môn đạo đức lái xe bắt buộc phải đến lớp.

"Các trung tâm đào tạo sát hạch sẽ phải kiểm soát, kiểm tra vân tay ở cửa với từng học viên để thanh kiểm tra. Trung tâm nào mà không quản lý, buông lỏng, nặng sẽ thu hồi giấy phép, nhẹ thì xử phạt,” ông Huyện khẳng định.

[Bộ trưởng Giao thông: Vượt đèn đỏ sẽ trượt thi bằng lái xe]

Đặc biệt, Tổng cục sẽ đầu tư cho tất cả các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe có mô phỏng cabin điện tử với mức đầu tư khoảng 300 triệu đồng.

Đề cập về việc sát hạch bằng lái xe container, ông Huyện cho biết sẽ đổi mới, nâng cao trong sửa đổi Thông tư. Nhưng không chỉ xe container, xe chở quá tải cũng phải siết chặt.

Chỉ ra “mắt thần” giám sát lái xe và doanh nghiệp thông qua thiết bị giám sát hành trình, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng, theo điều kiện kinh doanh của Ngị định 86, dữ liệu thông tin xe của doanh nghiệp sẽ truyền về Tổng cục Đường bộ và sau đó phân tách truyền về Sở Giao thông Vận tải địa phương.

“Sở Giao thông Vận tải sẽ lấy dữ liệu từ Tổng cục để phạt với những doanh nghiệp vận tải chưa theo dõi ‘đường đi nước bước’ của lái xe. Theo Nghị định 86, doanh nghiệp kinh doanh vận tải luôn phải có 3 người theo dõi ngày đêm,” ông Huyện nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cũng đánh giá, khâu đào tạo và sau đào tạo, quá trình hoạt động của lái xe chưa có sự kết nối thông tin. Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lý toàn bộ lái xe, dữ liệu của doanh nghiệp sẽ được kết nối với cơ quan quản lý Nhà nước để quản lý.

Tịch thu bằng lái vĩnh viễn, xử lý doanh nghiệp

Nhìn nhận các chế tài xử phạt hiện nay đa phần chủ yếu chỉ phạt được các lái xe vi phạm chứ chưa đủ sức răn đe chủ phương tiện hay chủ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, đối với lái xe, Luật đã cấm không được sử dụng chất kích thích nhưng vẫn xảy ra, trong khi doanh nghiệp kiểm tra, giám sát lỏng lẻo. Khi xảy ra tai nạn không biết người lái xe đã kiểm tra sức khỏe hay chưa, doanh nghiệp giám sát ra sao?

“Tổng cục sẽ nghiên cứu sửa lại Nghị định 46, nâng chế tài xử lý chủ phương tiện vì là người tiếp nhận lái xe, điều hành, biết được sức khoẻ lái xe, có trách nhiệm với người dân, xã hội phải kiểm tra đột xuất. Chế tài xử lý cho doanh nghiệp cần phải nâng lên, có thể đến mức hình sự, trước đây trong Nghị định 46 cũng đã có quy định nhưng cần phải nâng lên. Mức cụ thể sẽ phải nghiên cứu và tính toán, lấy ý kiến Bộ ngành,” ông Huyện nói.

[Bộ trưởng Giao thông: Sẽ siết học, thi và cấp bằng lái xe container]

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, các hành vi say rượu, nghiện ma túy lái xe dẫn tới tai nạn chết người là hành vi cố tình coi thường tính mạng người dân. Vì thế, Tư lệnh ngành giao thông yêu cầu các đơn vị nghiên cứu bổ sung vào Nghị định, Luật theo hướng lái xe nếu uống rượu, sử dụng ma túy, không chấp hành hiệu lệnh gây tai nạn chết người phải thu hồi bằng vĩnh viễn, chỉ có như vậy mới đủ sức răn đe.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh ngay hình thức xử lý một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, cố tình vi phạm. Những gì thuộc thẩm quyền của Bộ phải sửa, ban hành ngay Thông tư mới,” Bộ trưởng Thể cho biết.

Đối với chủ phương tiện, theo người đứng đầu ngành giao thông, trách nhiệm chủ xe là phải giám sát lái xe. Doanh nghiệp không quản lý được lái xe phải chịu trách nhiệm, phải tập trung xử lý trách nhiệm của cả doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp “khoán trắng” cho lái xe.

Với sát hạch lái xe, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phải lưu lại hồ sơ của người học, để khi lái xe vi phạm, sẽ có chứng cứ xử lý cơ sở đào tạo, cơ sở sát hạch và hội đồng sát hạch, nếu vi phạm phải xử nghiêm.

Liên quan đến thời gian nâng hạng giấy phép lái xe, Bộ trưởng yêu cầu phải quy định lại theo hướng tăng độ tuổi nâng hạng đồng thời cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải sử dụng lái xe xác nhận, nếu xác nhận sai thời gian điều khiển phương tiện của lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục