Xử lý việc mua bán phế liệu nhập khẩu: Vẫn đang chờ giải pháp

Theo Phó Cục trưởng Xuất Nhập khẩu Trần Thanh Hải, hiện chưa thể cấm nhập 100% phế liệu nhưng phải có chiến lược sử dụng; xem xét việc nhập khẩu này với khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Xử lý việc mua bán phế liệu nhập khẩu: Vẫn đang chờ giải pháp ảnh 1(Ảnh minh họa: Thanh Tân/TTXVN)

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc mua bán phế liệu ở Việt Nam tiếp tục có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu thu hút đầu tư đã kéo theo nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Chính vì thế, doanh nghiệp trong nước đã tăng cường nhập khẩu phế liệu để sản xuất có nguồn gốc từ rất nhiều nước khác nhau.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, sở dĩ phế liệu dồn ứ tại cảng gây ô nhiễm môi trường là vì nhiều chủ hàng hoặc doanh nghiệp nhập khẩu không đến làm thủ tục thông quan.

Lý do duy nhất là doanh nghiệp này chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu.

Một điểm đáng lưu ý nữa là Việt Nam được coi như một điểm đến của hàng phế liệu vì Trung Quốc đã chính thức ngừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế, khiến một lượng lớn các mặt hàng phế liệu từ Hoa Kỳ, châu Âu phải tìm đường vào các nước châu Á; trong đó có Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện chưa thể cấm nhập 100% phế liệu nhưng phải có chiến lược sử dụng. Dù vậy, vẫn cần xem xét tính cấp thiết của việc nhập khẩu phế liệu trong mối tương quan với khả năng gây ô nhiễm môi trường, nếu không có công nghệ xử lý an toàn, không cho phép nhập khẩu. Đặc biệt, nếu chủ tàu nào gian lận trong nhập khẩu phế liệu sẽ cương quyết xử lý.

Trước đó, Bộ Công Thương đã nhiều lần khẳng định quy định về tạm nhập tái xuất đang gây ra những trở ngại lớn và là kẽ hở để các cá nhân, tổ chức lợi dụng nhập về Việt Nam tiêu thụ các loại hàng kém phẩm chất, thậm chí cả hàng cấm, nguy hại.

[Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu]

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, khó khăn nhất hiện nay về hàng tạm nhập tái xuất là chưa có quy định pháp luật ràng buộc trách nhiệm của đơn vị vận chuyển là các hãng tàu, đại lý vận tải trong việc khắc phục hậu quả.

Đến khi hàng bị xử lý thì hầu như không ai chịu trách nhiệm, như trường hợp các container rác thải phế liệu hay kể cả các lô hàng động vật quý hiếm, ngà voi... chủ hàng cũng... vô thừa nhận.

Không những thế hàng vi phạm bị phát hiện qua hình thức tạm nhập tái xuất có đủ loại từ thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, rác thải độc hại đến hàng cấm như rác thải công nghiệp độc hại hay ngà voi.

Đáng lo ngại hơn là đã có tình trạng tạm nhập hàng kém chất lượng, hầu như không gia công chế biến gì, chỉ vận chuyển lòng vòng rồi tái xuất với nhãn hiệu "made in Vietnam,” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu Việt và bất lợi cho nền kinh tế.

Để siết chặt tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần có chế tài xử phạt với hãng tàu khi chuyên chở hàng hóa là rác thải mà không có tên người gửi hoặc hàng về cảng không có người nhận.

Bởi chỉ có như vậy các hãng tàu mới có trách nhiệm xác minh, kiểm tra hàng hóa nhận chuyên chở, tức làm bộ lọc đầu tiên.

Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước cần có chế tài quản lý chặt chẽ việc nhập phế liệu như quy định việc phải tái chế 100% tại nhà máy của doanh nghiệp; kiểm soát đầu ra (xuất khẩu); tiêu thụ nội địa để tính được chính xác việc đã sử dụng bao nhiêu số lượng nhập khẩu... nhằm tránh tình trạng “qua tay,” bán quota (giấy phép nhập khẩu) ngay tại cảng.

Với các doanh nghiệp nhập hàng về nhưng bị từ chối nhận đề nghị các đơn vị chức năng áp dụng chế tài đưa 100% lô hàng xuất, nhập khẩu sau đó vào luồng đỏ; chuyển qua khu vực riêng tại cảng, thu phí phát sinh nếu không giải phóng hàng trong vòng một tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục