Xứ lý và hóa giải thách thức thông tin đối ngoại

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh cần nhanh chóng triển khai đồng bộ các hoạt động thông tin đối ngoại, tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức.
Sáng 15/2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết nhiệm kỳ (Khóa X) của Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại.

Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại nhiệm kỳ 2006-2010, chủ trì hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác chỉ đạo thông tin đối ngoại nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm từ những thành công và hạn chế của công tác này, đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo trong nhiệm kỳ mới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh, thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác thông tin đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc giúp thế giới hiểu rõ và hiểu đúng về Việt Nam, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao nỗ lực hoạt động của Ban Chỉ đạo nhằm tăng cường năng lực chỉ đạo, phối hợp các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại trong nhiệm kỳ qua, góp phần tạo bước chuyển biến căn bản trong tổ chức và hoạt động thông tin đối ngoại trên phạm vi cả nước, đặc biệt trong công tác kiện toàn tổ chức, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thông tin đối ngoại phù hợp với tình hình, yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, cơ chế phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành đối với hoạt động thông tin đối ngoại hiện nay, trong đó có một số yếu kém tồn tại đã lâu, nhưng chậm được khắc phục. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc như ngày nay, tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, công tác thông tin đối ngoại đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen.

Trong bối cảnh đó, cần nhanh chóng triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động thông tin đối ngoại trên cơ sở của “Chiến lược phát triển công tác thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020,” tận dụng tối đa các cơ hội nhằm tích cực xử lý và hóa giải các thách thức mới, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

Trong nhiệm kỳ qua, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại đã trực tiếp tham gia xây dựng Chỉ thị 26 ngày 10/9/2008 của Ban Bí thư khóa X “Về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, triển khai biên soạn “Chiến lược phát triển công tác thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020.”

Chiến lược này đã được Bộ Chính trị thông qua và chuẩn bị triển khai thực hiện. Đây là văn bản chỉ đạo quan trọng về công tác thông tin đối ngoại, trong đó đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay, nhằm tạo ra bước phát triển đột phá trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ khóa XI đã ra mắt, bao gồm 21 người đại diện cho các ban, bộ, ngành cơ quan liên quan trực tiếp đến các mặt hoạt động của công tác thông tin đối ngoại. Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, là Trưởng ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại trong nhiệm kỳ mới.

Chiều cùng ngày đã diễn ra Kỳ họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo nhằm thảo luận kế hoạch, nội dung công tác chủ yếu của nhiệm kỳ 2011-2015, thảo luận “Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại,” công tác phối hợp hoạt động giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, bộ phận thường trực, nhóm giúp việc và Văn phòng Ban Chỉ đạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục