Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao các Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm soát, điều tra, bắt giữ, xử lý triệt để đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.
Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang trở thành điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động, thực vật hoang dã ở Đông Nam Á. Việt Nam được biết đến là địa bàn trung chuyển lớn trong khu vực về buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Nhiều vụ án buôn bán xuyên quốc gia với khối lượng lớn các sản phẩm từ động vật hoang dã đã bị phát hiện. Tình trạng sử dụng ngà voi, sừng tê giác và giết hại các loài hoang dã để phục vụ cho các bữa tiệc đã trở thành thói quen xấu trong sinh hoạt tiêu dùng của người dân.
[Hà Nội: Truy tố đối tượng vận chuyển ngà voi sang Thái Lan]
Hậu quả của việc này là nhiều loài đang có nguy cơ tiệt chủng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học. Nhiều loài thú lớn là biểu tượng của nhiều vùng bị tuyệt chủng do áp lực khai thác, sử dụng bất hợp pháp như tê giác một sừng, hổ, bò xám, trâu rừng, hươu vàng và nhiều thú lớn khác.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ năm 2015-2017, Tòa án nhân dân tối cao đã thụ lý 231 vụ/339 bị cáo vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý, hiếm. Trong đó, 8 bị cáo bị phạt tù 3-7 năm, 96 trường hợp tù từ 3 năm trở xuống.
Các vụ việc còn lại đối tượng phạm tội chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù giam nhưng cho hưởng án treo.
Ngày 23/11/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự./.