Xử lý sự cố Formosa là bài học quan trọng cho các địa phương

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đề xuất những giải pháp xử lý để đảm bảo môi trường của Việt Nam nói chung và môi trường biển được giữ gìn lâu dài.
Xử lý sự cố Formosa là bài học quan trọng cho các địa phương ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sau khi kiểm tra thực tế tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị, sáng 17/5, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành và 4 tỉnh miền Trung.

Vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Sự cố môi trường biển nghiêm trọng xảy ra từ tháng 4/2016 tại các tỉnhHà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế gây thiệt hại hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh miền Trung.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, cùng với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các địa phương, đặc biệt là các nhà khoa học trong và ngoài nước quyết liệt, đồng bộ vào cuộc để sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã phải nhận trách nhiệm và chịu bồi thường 500 triệu USD (tương đương 11.150 tỷ đồng Việt Nam).

Ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển (Ban chỉ đạo).

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng chịu thiệt hại và đã xuất cấp hỗ trợ gạo (19.335,374 tấn) và tiền (101,36 tỷ đồng).

Nguồn lợi thủy sản phục hồi

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nguồn lợi thủy sản trong khu vực xảy ra sự cố nay đã có sự phục hồi, nhiều loại cá nổi như cá cơm, cá nục, cá khoai, ruốc... đã xuất hiện trở lại; người dân tích cực bám biển sản xuất các nghề khai thác cá nổi; từng bước chuyển các nghề khai thác tầng đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ.

Số lượng tàu khai thác trên biển đã tăng trở lại bình thường. Sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của 4 tỉnh đạt gần 152.000 tấn tăng 23,5% so với năm 2016. Người tiêu dùng đã yên tâm sử dụng các sản phẩm hải sản, giá hải sản đã tăng theo mặt bằng chung của toàn quốc.

[Bộ Tài nguyên cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 2]

Năm 2017, du lịch tại 4 tỉnh đã phục hồi, khách du lịch nội địa đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí trong dịp nghỉ lễ, tết tăng so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành năm 2017 đều tăng so với năm 2016.

Đến nay 52/53 lỗi của FHS đã được khắc phục chỉ còn một lỗi chuyển từ công nghệ luyện cốc ướt sang cốc khô chưa được hoàn thành do cần phải có thời gian; đã lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động liên tục, camera theo dõi, giám sát truyền trực tiếp số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát.

Người dân tin Đảng, tin chính quyền

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua là sự cố môi trường lớn nhất và lần đầu tiên xảy ra từ trước đến nay ở Việt Nam.

Do diễn ra đúng vào dịp bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nên đã có nhiều đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, trên cơ sở chứng cứ rõ ràng, xuất phát từ quan điểm vì nhân dân, bảo vệ môi trường đầu tư, nói đi đôi với làm, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp kịp thời, cách làm phù hợp để giải quyết sự cố.

Phân tích thành công trong quá trình triển khai các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, Thủ tướng đề cập đến vai trò quan trọng của các nhà khoa học, các thành viên Ban Chỉ đạo, của lãnh đạo và hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã; vai trò của lực lượng Quân đội, Công an và đặc biệt là sự ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Các bộ, ngành đều “xắn tay áo” vào việc giải quyết vụ việc,” cùng hợp tác để có thành công, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhắc lại kết quả chuyến thị sát việc giải quyết sự cố môi trường biển tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị, chứng kiến tinh thần đoàn kết, không khí vui tươi, phấn khởi của bà con.

Thủ tướng tán thành việc mới đây, tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết khởi tố vụ án sai phạm trong giải quyết bồi thường, hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển mặc dù số tiền vi phạm rất nhỏ. Điều này thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, giữ gìn kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước.

Thủ tướng khẳng định, trước sự cố nghiêm trọng, chưa có tiền lệ, nhưng Chính phủ đã bình tĩnh, vững vàng, kiên quyết chỉ đạo với những giải pháp chặt chẽ, cụ thể và nhất quán trong giải quyết vụ việc.

Đánh giá quá trình giải quyết vụ việc, Thủ tướng nhấn mạnh đến nguyên tắc làm việc công khai, minh bạch, dân chủ, sát dân, chính xác, có sự giám sát chặt chẽ. Song song với đó là vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở là bài học kinh nghiệm quan trọng cho các địa phương trong xử lý các vụ việc nóng trên địa bàn.

Thủ tướng chỉ rõ 3 thành công lớn nhất trong công tác ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa qua. Đó là người dân tin Đảng, tin chính quyền; người dân đoàn kết hơn qua việc này và cán bộ trưởng thành hơn sau nhiệm vụ này.

Tại hội nghị tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương; đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo và đặc biệt là sự ủng hộ của người dân.

Từ sự cố Formosa, cần nghĩ đến tương lai môi trường của cả nước

Về những vấn đề tồn tại, cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ việc chi trả, hỗ trợ, bồi thường còn chậm so với kế hoạch, vẫn có một số trường hợp gửi đơn thư khiếu nại; việc xử lý bồi thường hải sản tồn kho chậm và vẫn còn những vướng mắc.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành công tác hỗ trợ, chi trả, bồi thường cho bà con hiện vẫn còn 0,9% chưa giải ngân hết. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, địa phương rút kinh nghiệm trong việc phối hợp cung cấp thông tin đến người dân.

Về nhiệm vụ trong thời gian đến, Thủ tướng lưu ý đến yêu cầu môi trường là một yếu tố trong tam giác kinh tế-xã hội-môi trường và là trụ cột của sự phát triển.

Cho rằng, từ sự cố Formosa, cần nghĩ đến tương lai môi trường của cả nước và các tỉnh miền Trung, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đề xuất những giải pháp xử lý để đảm bảo môi trường của Việt Nam nói chung và môi trường biển được giữ gìn lâu dài;” không được để Formosa vi phạm lần thứ 2,” Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với đó, các hệ thống đánh giá tác động môi trường trên cả nước cần đáp ứng yêu cầu, năng lực, hiệu quả và trách nhiệm. Công tác kiểm tra định kỳ cần được thực hiện nghiêm túc nhất là tại FHS và các địa điểm dọc ven biển miền Trung.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu lắp đặt nhiều hơn các thiết bị quan trắc mức độ ô nhiễm môi trường tự động ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp và những nơi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước hết là ở 4 tỉnh miền Trung và sau đó là trên cả nước. Việc này cần công khai, minh bạch để người dân và cộng đồng giám sát.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục theo dõi, quan trắc, giám sát hoạt động của doanh nghiệp FHS, nhất là sau khi vận hành lò số 2; thường xuyên giám sát, nhắc nhở, quan trắc trực tiếp, gián tiếp đối với hoạt động của FHS, tiếp tục chú ý công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực miền Trung.

Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo 4 tỉnh liên quan đến công tác này sớm hoàn thiện hồ sơ, chứng từ thanh, quyết toán một cách mạch lạc, rõ ràng, đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi tham ô, tham nhũng, sai phạm trong quá trình triển khai nhiệm vụ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục