Xử lý sâm Ngọc Linh giả - cuộc chiến không chỉ là tiền bạc

Lợi dụng giá trị của sâm Ngọc Linh, một số gian thương đã dùng tam thất hoang, tam thất Vũ Diệp để giả mạo loại sâm quý hiếm này, bán cho người dùng.
Sâm Ngọc Linh là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. (Nguồn: TTXVN)

Nhận được thông tin về việc có hiện tượng sâm Ngọc Linh giả được bán trên thị trường, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã tới Đà Nẵng, Quảng Nam và Kon Tum để tìm hiểu và khẳng định thông tin này là chính xác. Các gian thương đã lấy tam thất để "hô biến" thành loại sâm có giá trị cao này...

“Biến” tam thất thành sâm quý

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng đoàn công tác cho hay, đoàn đã tiến hành khảo sát một số địa điểm kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Đà Nẵng; vùng ươm tạo, trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) và làm việc các cơ quan liên quan tại địa phương.

Khảo sát thị trường và ghi nhận từ phản ánh của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương cho thấy, hiện nay, trên thị trường các địa phương này có sâm Ngọc Linh giả (hạt, giống cây, củ, lá và hoa); các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh được cho là có nguồn gốc từ tam thất hoang hoặc tam thất Vũ Diệp được nhập từ phía Bắc (có hình dáng rất giống với sâm Ngọc Linh).

Theo nhà chức trách, các hành vi vi phạm rất khác nhau có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc tiêu chuẩn chất lượng.

[Người tiêu dùng đang bị rơi vào "ma trận" sâm Ngọc Linh thật-giả]

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sử dụng biển hiệu “Sâm Ngọc Linh,” tên doanh nghiệp, tên thương mại có chứa cụm từ “Sâm Ngọc Linh” mà không được phép của Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum; bán sâm Ngọc Linh giả và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh giả tại các cửa hàng, hoặc trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, mua bán công khai hoặc giao nhận tận tay, cất giấu tại nơi ở…

Theo quy định pháp luật hiện hành, củ sâm Ngọc Linh giả được kinh doanh trên thị trường là hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý (Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp). Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa giả mạo về chỉ dẫn địa lý có thể bị xử lý hành chính, dân sự, hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Bà Quỳnh cũng cho hay, thông tin từ các địa phương cho thấy, các cơ quan chức năng như Tổ Công tác liên ngành 389, quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền, tịch thu, tiêu hủy) đối với một số Công ty, cơ sở kinh doanh các sản phẩm được cho là có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh.

Tuy nhiên, có một thực tế là kể từ sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và công nhận là sản phẩm quốc gia, những giá trị về chất lượng sâm Ngọc Linh được thông tin, phổ biến rộng rãi hơn. Qua đó, số lượng người quan tâm và có mong muốn được sử dụng sâm Ngọc Linh tăng lên nhanh chóng, giá bán sâm Ngọc Linh tăng gấp 4-5 lần so với trước đây dẫn đến việc kinh doanh sâm Ngọc Linh giả ngày càng gia tăng.

Khó phát hiện, xử lý

Tuy nhiên, trong tất cả các vụ việc này, bên vi phạm bị xử lý do các hành vi vi phạm khác như không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy phép bán lẻ rượu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ… chứ không phải xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù các cơ quan xử lý vi phạm cho rằng, nên coi là hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.

Đoàn công tác của Bộ KH&CN tại vùng trồng sâm. (Nguồn: Bộ KH&CN)

Theo bà Quỳnh, các cơ quan chức năng còn lúng túng, gặp khó khăn trong phát hiện và xử lý sâm Ngọc Linh giả và các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh giả. Lý do là bởi công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh khó khăn.

Thực tế cho thấy, tới nay, chỉ có một số đơn vị kiểm định sâm Ngọc Linh nhưng chưa đặt tại các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Việc kiểm định chất lượng sâm đặc biệt khó khăn trong trường hợp số lượng sản phẩm vi phạm lớn (không thể lấy mẫu 1 sản phẩm để kết luận toàn bộ kho hàng là sâm Ngọc Linh giả).

Trong thực tế, việc xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật – giả hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm thực tiễn của người dân và một số cán bộ, chuyên gia. Việc kiểm định chất lượng đặc biệt khó khăn đối với những vi phạm tinh vi (như một củ sâm Ngọc Linh được bán có nhiều phần được gắn vào nhau, trong đó có một phần sâm thật, một phần sâm giả, hoặc sản phẩm được bán khi đã đóng chai, khô…). Theo các địa phương, đây là lý do chính làm cho các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa thể xử lý triệt để những vi phạm liên quan đến sâm Ngọc Linh giả.

[Kon Tum ra quân xử lý trường hợp mua bán sản phẩm sâm Ngọc Linh giả]

Cùng lúc, bộ công cụ quản lý, kiểm soát sâm Ngọc Linh chưa hoàn thiện. Cho đến nay, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum vẫn đang trong quá trình xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh; đang chuẩn bị cho việc thành lập Hội quản lý tập thể; chưa xây dựng xong bộ tem, nhãn nhận diện sản phẩm; chưa cấp phép quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.

Thêm vào đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của các ngành còn chồng chéo, chưa phận định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong các khâu: truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường…; Việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh chưa được triệt để…

Đó là chưa kể tới việc theo Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049, chỉ có 03 xã (các xã Măng Ri, Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum; xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) thuộc vùng chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, trên thực tế, một số xã lân cận các xã này có điều kiện tự nhiên tương tự 03 xã trong khu vực địa lý theo Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và cũng đang trồng sâm. Theo các địa phương, trong trường hợp này, không hợp lý khi coi các sản phẩm này là sản phẩm giả mạo chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.

Về phía mình, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì, phối hợp các bên liên quan hỗ trợ Quảng Nam, Kon Tum hoàn thiện bộ công cụ để quản lý, kiểm soát, bảo vệ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh (như Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh; bộ tem, nhãn nhận diện chỉ dẫn địa lý…). Xem xét mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh đối với khu vực lân cận nếu đáp ứng đủ các điều kiện.

Trong khi đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật rà soát, triển khai sửa đổi xây dựng mới các tiêu chuẩn quốc gia liên quan tới sâm Ngọc Linh; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ sớm triển khai hoạt động tại tỉnh Kon Tum như máy móc, thiết bị giúp xác định chính xác sâm Ngọc Linh…/.

Cách phân biệt sâm Ngọc Linh thật bằng mắt thường và vị giác. (Nguồn: Bộ KH&CN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục