Hiện nay, mô hình xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình tại một số địa phương ở Hưng Yên đang mang lại hiệu quả khá thiết thực. Rác thải hữu cơ qua xử lý thành phân bón đã giúp cho các hộ gia đình giảm hơn 70% lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Bước đầu có 400 hộ dân tại huyện Kim Động thực hiện xử lý rác thải hữu cơ theo 2 phương pháp: đào hố và dùng thùng phi nhựa. Tại thôn Động Xá, thị trấn Lương Bằng, có 300 hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý bằng phương pháp đào hố ngoài vườn. Mỗi hố có kích thước 70cm x 70cm, sâu khoảng 1m, được đậy bằng nắp hố rác di động.
Bà con cho biết hằng ngày, các loại rác thải sinh hoạt hữu cơ được thu gom và phân loại gồm: cơm và thức ăn thừa, rau, quả hư hỏng và các loại rác dễ phân hủy được cho vào thùng xử lý rác.
Trong thùng có rắc chế phẩm phân vi sinh gốc EM đã được pha chế theo công thức: pha 0,2kg chế phẩm phân vi sinh gốc EM vào 5 lít nước, cứ một lớp rác thải dày 30-50cm thì tưới từ 0,5-1 lít dung dịch chế phẩm và đậy kín nắp. Sau mấy ngày rác sẽ bị phân hủy dần, trong vòng 4 tuần toàn bộ rác thải trong hố sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy thành phân hữu cơ compost dùng để bón cho cây trồng rất tốt và tiện lợi.
Với những hộ không có vườn để đào hố, thì phương pháp xử lý rác bằng thùng nhựa cũng tương tự. Tại 100 mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng thùng đựng ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường được triển khai từ năm 2010, bà con cho biết chi phí thùng đựng, chế phẩm vi sinh không tốn nhiều tiền, nhưng hiệu quả khá khả quan. Tình trạng mùi hôi thối do rác thải hữu cơ tại hộ gia đình như trước kia đã cơ bản được khắc phục.
Những hộ dân có mô hình xử lý rác thải ở thôn Động Xá và thôn Tiên Cầu phấn khởi cho biết việc xử lý rác thải tại gia đình đã giúp mỗi gia đình giảm được 2/3 lượng rác xả ra môi trường, nên vấn đề vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ được đảm bảo sạch sẽ. Mặt khác, rác thải được xử lý bằng chế phẩm vi sinh gốc EM có tác dụng làm rút ngắn 1/3 thời gian xử lý hiếu khí, tiết kiệm năng lượng, thùng ủ không bị bốc mùi hôi.
Theo snh Dương Văn Hiệp, cán bộ xã Hiệp Cường, trước đây người dân có thói quen vứt rác bừa bãi ra đường, đổ rác ở bờ sông, kênh mương và những khu đất trống tạo thành những bãi rác tự phát trong khu dân cư ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và mỹ quan thôn, xóm. Từ khi được chọn làm thí điểm mô hình xử lý rác thải tại gia đình, 100 dân tham gia, mỗi hộ 1 thùng nhựa dung tích 200 lít và 1 gói chế phẩm vi sinh với tổng kinh phí là 50 triệu đồng.
Với cách làm này, tính sơ bộ, với 100 hộ gia đình thực hiện dự án tiết kiệm được khoảng trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có khoảng 43,8 triệu đồng/năm phí vận chuyển và xử lý rác ở nơi tập trung, còn lại là lượng phân bón trị giá gần 60 triệu đồng.
Tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng
Điều hấp dẫn người dân ngoài giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rác thải qua xử lý đã tạo ra nguồn phân bón hữu cơ compost rất tuyệt vời đối với các loại các loại cây trồng như: đậu tương, bắp cải, cà chua, cà rốt... Phân hữu cơ compost từ nguồn rác thải gia đình sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, sạch bệnh, khả năng chống chịu ngoại cảnh tốt hơn so với bón phân hóa học hoặc phân tươi không qua ủ. Mặt khác, không có ký sinh trùng gây bệnh như giun, sán...
Theo người dân thôn Động Xá, với 300 hộ gia đình xử lý rác thải tại nhà bằng chế phẩm EM, mỗi năm sẽ cho khoảng 90 tấn vi sinh trị giá gần 180 triệu đồng; ngoài ra còn tiết kiệm được trên 120 triệu đồng phí vận chuyển, xử lý rác thải. Nếu không, việc chôn lấp, xử lý khối lượng rác, nước rỉ rác gia tăng hàng năm đòi hỏi diện tích đất và nguồn kinh phí lớn gấp nhiều lần, là nỗi trăn trở và bài toán khó đối với nhiều địa phương trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Hưng Yên, việc xử lý theo biện pháp phân loại rác, dùng chất vi sinh gốc EM cho phân hủy thành phân hữu cơ, vừa có nguồn phân chăm sóc cây trồng, cải tạo đất, vừa góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. So với việc chở rác đi xử lý, việc phân loại, xử lý tại hộ gia đình có nhiều ưu điểm hơn từ mức phí thấp, dễ triển khai, dễ làm, thuận tiện cho người sử dụng và phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán sinh hoạt của người dân vùng nông thôn.
Từ hiệu quả của mô hình trên, tỉnh Hưng Yên đang chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường và các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng, để mọi người dân cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp./.