Liên quan đến vụ tàu du lịch Minh Trân bị hỏa hoạn trên sông Cần Thơ vào rạng sáng 3/9, ngày 5/9, đại diện các sở, ngành gồm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, Sở Giao thông Vận tải, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy... đã tổ chức họp khẩn để thông tin vụ hỏa hoạn và chấn chỉnh lại hoạt động các tàu du lịch trên sông Cần Thơ.
Tại buổi họp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 2 giờ sáng 3/9, tại khu vực 1, cầu Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, khi tàu du lịch Minh Trân, biển số AG-121.34, đang neo đậu cặp bờ kè sông Cần Thơ.
Tàu Minh Trân có sức chở khách được cấp phép là 45 người, tuyến hoạt động Bến Ninh Kiều-Chợ nổi Cái Răng...
Trước khi tàu bị cháy, ngày 13/8, tàu này đã tạm ngưng hoạt động do không có khách hợp đồng và khi xảy ra cháy, tàu vẫn còn hạn đăng kiểm. Vào thời điểm tàu bị cháy, ông Nguyễn Thành Được (thuyền trưởng) đang ngủ ở phần giữa của tàu và đã may mắn thoát nạn, không thiệt hại về người.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chủ tàu đã "câu" điện trên bờ xuống tàu để sử dụng, gây chập điện.
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết tổng giá trị của tàu Minh Trân là 1,2 tỷ đồng nhưng chủ tàu Minh Trân không mua bảo hiểm thân tàu và khi ngừng hoạt động cũng không báo cáo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ.
Theo ông Sơn, mặc dù tàu du lịch Minh Trân cháy khi đang cập bến, không gây thương vong về người nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các phương tiện tàu du lịch chở khách hoạt động trên địa bàn. Khi hoạt động, các tàu phải đảm bảo tốt công tác phòng cháy chữa cháy. Các thuyền viên phải được tập huấn về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; các chủ tàu phải thường xuyên kiểm tra lại hệ thống điện trên tàu, kiểm tra nguồn lửa, nguồn nhiệt trên tàu.
Ông Lê Thuận Bé, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ cho hay thời gian tới, Thanh tra Sở sẽ phối hợp với các cấp, ngành, tăng cường công tác thanh kiểm tra tất cả các phương tiện tàu vận chuyển hành khách trên sông. Các phương vận chuyển không đăng ký sẽ không được xuất bến. Các phương tiện tự xuất bến hay hoạt động "chui," không đăng ký, nếu bị phát hiện, sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Bé cũng lưu ý các chủ phương tiện khai thác du lịch trên sông phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy; rà soát, kiểm tra độ an toàn của phương tiện trước khi đưa vào hoạt động vận chuyển hành khách...
Tại cuộc họp, ông Lê Minh Sơn cũng cho biết thời gian tới, Cần Thơ sẽ tiến hành rà soát lại mở các lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn để chủ phương tiện và người lái tàu tham gia. Đặc biệt, các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố sẽ tăng cường công tác phối hợp thanh kiểm tra, quản lý các phương tiện hoạt động trên sông. Nếu xảy ra sự cố liên quan đến các phương tiện vận chuyển hành khách, thành phố sẽ truy cứu trách nhiệm của các sở, ngành...
Theo Cảng thủy nội địa hành khách du lịch Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, hiện trên địa bàn, số tàu hoạt động du lịch trên sông có đăng ký tài chuyến tại Bến tàu Du lịch Cần Thơ là 33 tàu, với tổng trọng tải gần 900 khách. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn vẫn còn 93 tàu hoạt động "chui" không đăng ký tài chuyến tại Bến tàu Du lịch Cần Thơ với tổng tải trọng trên 2.000 người.
Trong 3 ngày lễ, lượng du khách đi tàu tham quan tuyến Bến Ninh Kiều-Chợ Nổi Cái Răng là 9.000 lượt khách. Nếu tàu hoạt động "chui" không được quản lý thì nguy cơ xảy ra tai nạn, cháy nổ là rất cao./.