Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy Việt Nam là đất nước giàu tài nguyên nước. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu cùng hoạt động công nghiệp phát triển mạnh mẽ, nguồn nước cũng đã và đang phải đối mặt với các thách thức lớn.
Đáng chú ý, theo World Bank, tác động từ ô nhiễm nguồn nước đến người dân có thể làm giảm khoảng 3,5% GDP Việt Nam vào năm 2035. Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc cải tiến công nghệ xử lý nước thải là nhiệm vụ cấp thiết, cần ưu tiên.
Nhiều thách thức xử lý nước thải
Chia sẻ tại cuộc họp báo công bố tổ chức Tuần lễ ngành nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2023 (diễn ra từ ngày 28-30/9 tại tỉnh Bình Dương), Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) - ông Nguyễn Ngọc Điệp nhấn mạnh an ninh nguồn nước tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi ngành nước cần phải phát triển để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế.
Thế nhưng, một số nghị định về thoát nước, xử lý nước thải và các văn bản dưới luật được ban hành từ nhiều năm trước, đến nay không còn phù hợp với thực tiễn phát triển. Ngoài ra, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tại các địa phương, đặc biệt hạ tầng bảo vệ môi trường cũng còn nhiều khó khăn.
Số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tính đến năm 2022 mới chỉ có khoảng 20% số cụm công nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cụm công nghiệp còn lại hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn tới nước thải không đạt yêu cầu Quy chuẩn Việt Nam.
Trong khi đó, đề cập tới bức tranh về nước thải ở các đô thị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, cũng nêu lên thực tế hiện nay có khoảng 80% đến 90% nước thải đang xả thẳng ra môi trường.
Theo ông Huân, thực trạng trên cho thấy năng lực xử lý nước thải ở các đô thị đang rất thấp. Trong khi việc quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực đang có vấn đề.
“Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, khoảng 20-30 năm tới, chúng ta sẽ không có đủ nước sạch để dùng - đây là nguy cơ rất đáng báo động,” ông Huân nói.
Nói thêm về khía cạnh chính sách, ông Huân cho biết từ năm 2013, tại Hội nghị 7 khóa XII, Đảng đã đưa ra Nghị quyết 24, Nghị quyết về bảo vệ môi trường, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về xử lý nước thải. Các bộ, ban, ngành đều có những chính sách quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Mới nhất, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rõ các chỉ tiêu không được xả thải ra môi trường.
“Có thể thấy tầm nhìn của các chính sách đã có. Tuy nhiên, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu thay đổi chậm hơn so với thực tế. Vấn đề môi trường vẫn theo xu hướng hoạt động công ích, bao cấp. Nguồn lực chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA để xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong khi xử lý nước thải triệt để không chỉ là nhà máy mà còn là vấn đề thu gom, công nghệ,” ông Huân chia sẻ.
Cần ưu tiên phát triển công nghệ
Đề cập tới khía cạnh thúc đẩy hợp tác công - tư trong xử lý nước thải, chất thải rắn, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam cho rằng giải pháp để quản lý và xử lý nước thải hiện nay phụ thuộc rất lớn vào sự cải tiến trong kỹ thuật và công nghệ.
Ông Lộc nhấn mạnh chỉ tính riêng trong lĩnh vực xử lý nước thải, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% (theo Nghị quyết Đại hội XIII) trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn, từ 10-20 tỷ USD.
Do vậy, để hiện thực hóa mục tiêu trên cần tìm hiểu giải pháp kỹ thuật, công nghệ; nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hoá nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và chất thải rắn ngày càng tốt hơn.
[Việt Nam cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ về tài nguyên nước]
Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam - ông Nguyễn Ngọc Điệp cũng cho rằng để bảo đảm nguồn nước trong công nghiệp, sinh hoạt và đô thị, việc quản lý bền vững và gia tăng các sáng kiến công nghệ được coi là “chìa khóa” hữu hiệu nhất.
Trong bối cảnh đó, từ ngày 28-30/9, Hội Cấp thoát nước Việt Nam sẽ tổ chức Tuần lễ ngành nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2023 với chủ đề “Nước vì chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.” Tuần lễ năm nay được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm quốc tế thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Theo ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam (đơn vị tổ chức Vietwater 2023), công nghệ là giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng. Vì thế, bước đầu tiên cần làm để đến gần hơn với việc quản lý nguồn nước đô thị, công nghiệp, tưới tiêu hiệu quả là bảo đảm cung cấp đầy đủ các công nghệ xử lý nước.
“Đó cũng chính là sứ mệnh của Vietwater, khi hội tụ các công nghệ xử lý nước và chất thải tiên tiến nhất trên thế giới,” ông BT Tee nói.
Một số công nghệ điển hình sẽ được giới thiệu tại Tuần lễ ngành nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2023, đó là công nghệ điện hóa nhằm xử lý nước thải trong công nghiệp của nhóm nhà khoa học đến từ Công ty Hydroleap tại Singapore. Công nghệ điện hóa này giúp giảm tới 95% chất ô nhiễm có trong nước thải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế nước trong nhiều ngành công nghiệp.
Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và đồ uống, công nghệ điện hóa đã loại bỏ thành công 98% tổng chất rắn lơ lửng, 93% dầu mỡ, 95% phốt phát trong nước thải và giảm gần 50% lượng carbon tiêu thụ trong quá trình xử lý. Nước thu được không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn xả thải mà còn an toàn để tái sử dụng trong sản xuất.
“Đối với các trung tâm dữ liệu, công nghệ điện hóa có thể tiết kiệm 70% lượng nước thải và khử trùng gần như tuyệt đối, chẳng hạn như loại bỏ 99% vi khuẩn Legionella. Điều này cho phép các nhà sản xuất công nghiệp tuần hoàn nước tới 14 lần, thay vì 8 lần như trước đây,” đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Thông qua việc tiếp cận các giải pháp công nghệ tiên tiến, các đại biểu kỳ vọng Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó chỉ tiêu xử lý nước thải nguy hại là 100%, tỷ lệ nước thải đô thị xử lý đạt chuẩn cần ở ngưỡng 50% vào năm 2030./.