Xử lý nghiêm vi phạm về phòng chống dịch COVID-19 và nồng độ cồn

Xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch COVID-19 và nồng độ cồn

Trong thời gian tới, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch COVID-19 và nồng độ cồn ảnh 1Hành khách tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), được nhân viên nhà xe hướng dẫn khai báo y tế trên ứng dụng điện thoại. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đánh giá tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn còn xảy ra phổ biển, theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lực lượng chức năng sẽ tăng cường xử lý các vi phạm an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi tham gia giao thông.

Lái xe cố tình vi phạm để kiếm lời

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, (từ ngày 10-16/2/2021), trong 7 ngày tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, toàn quốc xảy ra 182 vụ, làm chết 109 người, bị thương 123 người. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (giảm 8,08% số vụ, giảm 18,05% số người chết và giảm 29,3% số người bị thương).

Bên cạnh đó, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới xe khách giảm, ít xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy, ôtô ở khu vực ngoài đô thị, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều. Trên thực tế đã xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm liên quan tới vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Điển hình là vụ tai nạn giao thông tại Gia Lai vào tối mùng 3 Tết làm 4 người chết và 1 người bị thương (nạn nhân đều là thanh, thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số và qua khám nghiệm ban đầu cho thấy đều có nồng độ cồn trong cơ thể và không có bằng lái xe máy); các nạn nhân tai nạn giao thông khi đi xe máy bị chấn thương sọ não nặng cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức đa số đều không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ sai quy định.

[Tai nạn giao thông giảm nhưng vi phạm nồng độ cồn còn xảy ra phổ biến]

Về vận tải, theo ông Hùng, vẫn tồn tại tình trạng sử dụng xe đăng ký kinh doanh hợp đồng để vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, đặc biệt trên các tuyến có đông hành khách về quê ăn Tết (trước Tết) và trở lại nơi làm việc (sau Tết), nhằm vào đối tượng khách đón xe dọc đường, không kê khai, không đăng ký giá vé, thu tiền trực tiếp của hành khách với mức giá tuỳ tiện, không có chứng từ, không có bảo hiểm, trái quy định pháp luật.

Cá biệt, một số trường hợp doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải chưa thực hiện đầy đủ quy định vận chuyển hành khách từ vùng dịch, tới vùng dịch (trường hợp vận chuyển hành khách từ Quảng Ninh và Hải Dương về Điện Biên) có thể phát sinh rủi ro lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng qua hoạt động vận chuyển hành khách.

“Một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm để kiếm lời, mặt khác do một số hành khách chưa có thói quen chuẩn bị kế hoạch đi lại trong dịp nghỉ lễ Tết, tuỳ tiện vẫy, đón xe trên đường, không đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định; công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm,” ông Khuất Việt Hùng thừa nhận.

Xử nghiêm vi phạm phản ánh qua đường dây nóng

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, số lượt phản ánh tới đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã giảm đáng kể so với Tết những năm trước, với tổng số hơn 90 lượt gọi/7 ngày; chủ yếu tập trung vào ngày cao điểm từ ngày 9-10/2/2021 (tức ngày 28 và 29 Tết) và ngày 15-16/2/2021 (tức ngày mùng 4 và mùng 5 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc).

Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm quy định nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người đi định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông.

[Công bố 12 đường dây nóng phản ánh giao thông dịp Tết Dương lịch]

"Các ý kiến thắc mắc về quy định giá cước vận tải đều được trả lời trực tiếp tới người dân, những thông tin vi phạm về kinh doanh vận tải được chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe...," vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá.

Xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch COVID-19 và nồng độ cồn ảnh 2Lực lượng cảnh sát giao thông Ninh Bình kiểm tra xe khách đi từ tỉnh khác qua địa phận Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Ngoài ra, Cảnh sát giao thông các địa phương sau khi nhận phản ánh từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp nhà xe vi phạm chở quá số người, vi phạm các quy định về vận tải hành khách. Lực lượng Thanh tra giao thông và các bến xe tại địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các xe thu phụ thu giá vé cao so với quy định, hoạt động không có phù hiệu hoặc không có phiếu xuất bến; cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với các nhà xe để yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe.

Đẩy mạnh xử lý vi phạm phòng chống dịch COVID-19

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh COVID -19 trong hoạt động giao thông, vận tải trong các ngày sau Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2021, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh COVID- 19; thực hiện nghiêm “đã uống rượu, bia-không lái xe”; đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và Thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch COVID-19 (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế).

Xử lý nghiêm vi phạm phòng chống dịch COVID-19 và nồng độ cồn ảnh 3Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị người dân, người tham gia giao thông phản ảnh kịp thời qua điện thoại đường dây nóng về tình hình ùn tắc giao thông, các nguy cơ gây tai nạn giao thông về hạ tầng, phương tiện, những hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch COVID-19 của người điều khiển phương tiện vận tải công cộng, đơn vị kinh doanh vận tải.

[Doanh nghiệp vận tải phải cập nhật khách đi xe lên ứng dụng COVID-19]

Các đơn vị quản lý bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng… và các đơn vị kinh doanh vận tải tuân thủ nghiêm các chỉ đạo về phòng chống COVID-19, thực hiện ghi nhận, cung cấp thông tin về hoạt động của phương tiện, hành khách tham gia giao thông theo quy định pháp luật và yêu cầu của cơ quan chức năng; yêu cầu toàn bộ người lao động và hành khách thực hiện nghiêm khử khuẩn cá nhân, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc và tham gia giao thông.

Lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là hành vi lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma tuý, tốc độ; xe ôtô kinh doanh vận tải chở quá tải trọng về hàng hoá, chở quá số người quy định, vận chuyển hàng cấm, nguy cơ cháy, nổ; chủ phương tiện, người điều khiển, nhân viên phục vụ trên phương tiện và người tham gia giao thông cố tình vi phạm các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt là hành vi không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục