Xử lý nghiêm hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã dịp Tết Nguyên đán

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã; xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đề nghị trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã.

Để đảm bảo công tác thực thi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật (bao gồm kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, công an) tăng cường công tác phối hợp liên ngành.

Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan tại các địa phương có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, chim di cư; đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, chim di cư.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi, trồng, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước đó, từ thông tin do của các tổ chức bảo tồn quốc tế công bố trong quý I năm 2023, trong đó nhấn mạnh Việt Nam là một trung tâm toàn cầu của nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã và đường nhập khẩu chủ yếu là từ Lào, Báo Điện tử VietnamPlus đã quyết định vào cuộc với mục tiêu: Lật tẩy chiêu bài “tuồn hàng rừng” trái phép của các đối tượng đầu nậu chuyên vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp từ bên kia biên giới vào Việt Nam.

Sau hơn 3 tháng gian nguy đi sâu vào các “điểm nóng” để điều tra, loạt bài: “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh” đã được phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus xây dựng và đăng tải vào đầu tháng 11/2023, với mục đích gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến “dân nhậu” - đối tượng tiêu thụ - nguồn cầu thúc đẩy các hoạt động phạm pháp, từ buôn bán, vận chuyển đến cung cấp, chế biến các loài động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, loạt bài cũng đưa ra những giải pháp căn cơ - qua đó kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng ở địa phương; sự phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh biên giới 2 nước Việt Nam và Lào trong “cuộc đấu tranh” phòng chống buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia, ngăn chặn việc tiêu thụ những con vật của rừng gìn giữ môi trường sinh thái Xanh và bền vững cho cộng đồng, cho tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục