Xử lý nghệ sỹ ứng xử 'lệch chuẩn': Không chỉ có biện pháp 'phong sát'

Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an đang tích cực phối hợp để có các biện pháp hạn chế sự xuất hiện, lan tỏa hình ảnh của những nghệ sỹ ứng xử thiếu văn hóa.
Xử lý nghệ sỹ ứng xử 'lệch chuẩn': Không chỉ có biện pháp 'phong sát' ảnh 1Sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng MTP từng bị cơ quan chức năng xử lý vì lan tỏa nội dung tiêu cực. (Ảnh chụp màn hình)

Không dừng ở biện pháp khuyến nghị như trước đây, cơ quan quản lý nhà nước đang tích cực xây dựng quy trình xử lý đối với nghệ sỹ có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang phối hợp tích cực để hoàn tất công việc này trước tháng 10/2023 bởi đây là vấn đề dư luận rất quan tâm.

Đó là thông tin ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định tại tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sỹ và giới trẻ” diễn ra ngày 19/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Trần Hướng Dương cho rằng nên tránh dùng cụm từ “phong sát” bởi đó là cách làm của nước ngoài, không phù hợp với đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước.

Xử lý nghệ sỹ ứng xử 'lệch chuẩn': Không chỉ có biện pháp 'phong sát' ảnh 2Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Chúng ta có nhiều biện pháp để ‘thanh lọc’ môi trường mạng, môi trường văn hóa nghệ thuật. Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an đang tích cực phối hợp để có các biện pháp hạn chế sự xuất hiện, lan tỏa hình ảnh của những cá nhân không tuân thủ quy định pháp luật,” ông Trần Hướng Dương cho biết.

[Ứng xử trên mạng xã hội - đề cao chuẩn mực văn hóa, đạo đức]

Phó Cục trưởng Trần Hướng Dương khẳng định những người hoạt động nghệ thuật chưa chắc đã là nghệ sỹ. Nghệ sỹ là danh xưng đáng trân trọng, người nghệ sỹ phải có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình, tuân thủ quy định pháp luật và Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Giáo sư-Tiến sỹ Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng kêu gọi ý thức tự giác của nghệ sỹ bởi đây là những ngườicó sứ mệnh cao cả là đưa tác phẩm văn hóa nghệ thuật đến với công chúng, vun đắp nội tâm con người, đưa xã hội hướng tới chân thiện mỹ.

Theo phân tích của bà Loan, có những nghệ sỹ sử dụng mạng xã hội một cách tích cực để kêu gọi từ thiện, hỗ trợ nghệ sỹ già khó khăn, song cũng có một bộ phận “con sâu làm rầu nồi canh” lợi dụng uy tín để quảng cáo thái quá, không minh bạch trong việc làm từ thiện.

“Không gian mạng là con dao hai lưỡi, có thể giúp nghệ sỹ lan tỏa hình ảnh nhưng cũng có thể hủy diệt uy tín, sự nghiệp. Khi nghệ sỹ có những hành vi sai trái thì họ sẽ tự làm tiêu tan hào quang danh dự của mình. Tôi cho rằng giải pháp hiệu quả là tự chấn chỉnh bản thân, khi chúng ta chăm sóc kỹ một vườn hoa thì sẽ có thể dẹp bớt cỏ dại,” bà Từ Thị Loan chia sẻ.

Xử lý nghệ sỹ ứng xử 'lệch chuẩn': Không chỉ có biện pháp 'phong sát' ảnh 3Diễn viên Hàn Trang chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ở góc độ người nổi tiếng, diễn viên Hàn Trang (phim “Lối về miền hoa”) cho rằng khán giả sẽ là người phán xét công tâm nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đối với những hành vi lệch chuẩn.

“Khi nghệ sỹ hành xử trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật thì tình cảm từ khán giả sẽ không còn. Họ sẽ không được các nhãn hàng mời tham gia quảng cáo, sự kiện nữa. Đó là những ‘hình phạt’ nghiêm khắc không kém chế tài ‘phong sát’ hay ‘cấm sóng’,” diễn viên Hàn Trang bày tỏ.

Nêu quan điểm tại tọa đàm, người mẫu Hạ Vi đồng tình với việc bổ sung các biện pháp mạnh dành cho những người nổi tiếng vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng. Cô cho rằng cơ quan chức năng có thể khóa kênh, xóa tài khoản YouTube, TikTok của các cá nhân vi phạm để cảnh cáo.

“Tất nhiên, họ có thể lập lại tài khoản khác song tôi tin rằng chỉ sau vài lần bị xử lý, họ sẽ phải chấn chỉnh hành vi, lời nói của mình,” người mẫu Hạ Vi nói./.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sỹ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục.

Năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, yêu cầu nghệ sỹ tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; không được sáng tác, phổ biến, lưu hành, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục