Ngày 6/12, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình triển khai Chỉ thị 689/CT-TTg và Công điện 1329/CĐ-TTg, 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết tình hình tàu cá đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian gần đây tăng mạnh, đứng thứ 3 trong số 10 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Kết quả này cho thấy công tác triển khai ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài của tỉnh không bền vững, chưa có tính đột phá quyết liệt.
Bà Rịa-Vũng Tàu nghiên cứu lại nội dung Công điện 732 của Chính phủ và Chỉ thị 27/CT-UBND để xây dựng kế hoạch hành động cùng giải pháp cụ thể, quyết liệt và có mục tiêu, lộ trình thực hiện rõ ràng với có sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị.
Với các chủ tàu cá vi phạm, cần phải lập danh sách, thường xuyên rà soát; nếu tàu cá tái phạm cần có biện pháp xử lý mạnh và công khai lên website của Tổng cục thủy sản. Ngoài chế tài xử phạt hành chính, địa phương cần nghiên cứu bàn hành thêm chế tài bổ sung để tăng mức xử phạt đủ sức răn đe vi phạm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 2010-2016, tỉnh có tổng cộng 234 phương tiện với 1.675 ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, số tàu cá bị bắt giữ do đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài tăng mạnh với 73 tàu và 528 thuyền viên bị một số nước như Indonesia, Malaysia bắt giữ. Trong đó, địa phương có số lượng tàu bị bắt giữ nhiều nhất là huyện Long Điền với 50 tàu và 348 thuyền viên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định, đa phần vi phạm là nhóm tàu hành nghề lưới kéo (giã cào) với việc xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý. Loại phương tiện này hoạt động hiệu quả kinh tế không cao, khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
[Việt Nam không “dung túng” cho hành vi đánh bắt bất hợp pháp]
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - cho biết nhằm hạn chế, ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng này, những năm qua, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin về: quy định, chính sách và biện pháp xử lý của các nước trong khu vực đối với tàu cá vi phạm; chế độ pháp lý của các vùng biển, các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp... đến các chủ tàu cá, thuyền trưởng và thuyền viên tàu cá.
Tỉnh đã triển khai để ngư dân và chủ tàu ký 5.500 tờ cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài; không móc nối đưa tàu cá và thuyền viên xâm phạm ngư trường, vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực để đánh bắt hải sản trái phép; kiên quyết không cho hoạt động, không cấp phép khai thác thủy sản đối với các tàu cá vi phạm (sau khi chủ tàu mua, chuộc tàu về nước); không giải quyết các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đối với tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng đó, tất cả tàu cá xa bờ buộc phải gắn thiết bị thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp định vị vệ tinh và yêu cầu thuyền trưởng phải bật thiết bị 24/24 để giữ liên lạc thông tin. Từ năm 2015, tỉnh cũng đã triển khai chủ trương không giải quyết đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và cải hoán đối với các tàu khác sang làm nghề lưới kéo; không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ các nghề khác sang làm nghề lưới kéo và tỉnh cũng có chủ trương không phát triển thêm tàu vỏ gỗ từ tháng 1/2017.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, chưa có hiệp định hợp tác đánh bắt hải sản chung trong khu vực để ngư dân có điều kiện hợp tác đánh bắt hải sản; ý thực pháp luật của ngư dân còn hạn chế, vì lợi ích kinh tế nên đã cố tình sử dụng tàu cũ, trang bị hộ chiếu nước ngoài, sơn tàu, treo cờ mang biển số nước ngoài xâm phạm vùng biển các nước khai thác hải sản trái phép; chế tài xử phạt và việc áp dụng chế tài đối với tàu cá vi phạm còn chưa đủ sức răn đe...
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị Chính phủ sớm phân định ranh giới vùng biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực để ngư dân an tâm khai thác hải sản tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền; đồng thời, với vùng biển chồng lấn đang tranh chấp, cần có hiệp định hợp tác đánh bắt hải sản chung để ngư dân có điều kiện hợp tác đanh bắt hải sản./.