Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chiều 14/4, các đại biểu đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2014.
Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, việc đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng liên quan đến bảo hiểm xã hội đã được cải thiện và quản lý Quỹ đã tốt hơn. Công tác chi trả qua thẻ ATM, tuy chưa nhiều (khoảng 5%), nhưng đã phát huy những mặt tích cực.
Trong năm 2014 đã không xảy ra vụ việc nào gây thất thoát trong việc chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho các đối tượng.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt gần 11,5 triệu người (tăng 5,16% so với năm 2013), đối tượng tự nguyện đạt trên 196.000 người (tăng 16,8%), tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 9,2 triệu người (tăng 6,2%).
Tổng số kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc gần 305.800 tỷ đồng (tăng 24,7%), tự nguyện hơn 2.280 tỷ đồng (tăng 42,6%), bảo hiểm thất nghiệp là 41.550 tỷ đồng (tăng 30,4%).
Việc tăng trưởng của Quỹ Bảo hiểm xã hội là đáng khích lệ, tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi đánh giá kết quả thực hiện cần phải sát thực tế hơn. Việc tăng số lượng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội phải đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế.
Trong năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện thanh tra và xử phạt hành chính các doanh nghiệp tại nhiều địa phương do vi phạm Luật Bảo hiểm Xã hội.
Tuy nhiên, các đại biểu nhận định, hiện nay một số nội dung quy định trong Bộ Luật Lao động sửa đổi có tác động đến việc xác định mức đóng, hưởng bảo hiểm xã hội vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện; tốc độ tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội vẫn còn thấp, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội còn diễn ra phổ biến…
Tính đến nay, số lượng nợ bảo hiểm xã hội khoảng trên 5.500 tỷ đồng, sau khi trừ số nợ khó đòi thì còn khoảng 4.000 tỷ đồng.
Về vấn đề này, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đi đòi tiền nợ bảo hiểm xã hội rất khó khăn. Hiện nay, việc khởi kiện để đòi nợ không dễ dàng, chủ yếu do ngành bảo hiểm xã hội thực hiện. Ngay cả lực lượng Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ thu hồi được khoảng 65% số tiền nợ khi tiến hành thanh tra.
Để giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các đề xã hội của Quốc hội đề nghị, cần tích cực tiến hành khởi kiện để đòi quyền lợi cho người lao động.
Ngành bảo hiểm có thể kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với công đoàn cùng các ngành chức năng để thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội. Trong đó, công đoàn phải tích cực hơn trong khởi kiện doanh nghiệp trốn nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động, không nên chờ người lao động ký tên rồi mới khởi kiện.
Vụ nào liên quan đến hình sự, kiến nghị cơ quan công an điều tra, xử lý. Việc nợ đọng tuy không gây vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, nhưng lại ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động.
Cũng trong phiên họp chiều 14/4, các đại biểu đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về thực hiện Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2014; thảo luận và đề xuất các ý kiến nhằm thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới trong tương lai./.