Xử lý "điểm nóng" xuất cảnh trái phép ở vùng biên giới Huổi Luông

Huổi Luông là xã biên giới của huyện Phong Thổ (Lai Châu) tiếp giáp với thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, Vân Nam (Trung Quốc). Đây là xã một thời được coi là “điểm nóng” về xuất cảnh trái phép.
Xử lý "điểm nóng" xuất cảnh trái phép ở vùng biên giới Huổi Luông ảnh 1Chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông thường xuyên tuần tra biên giới, giữ vững an ninh vùng biên. (Ảnh: Nguyễn Duy/TTXVN)

Huổi Luông là xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) tiếp giáp với thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây là xã một thời được coi là “điểm nóng” về việc người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động diễn ra thường xuyên và rất phức tạp.

Trong số lao động này có cả những người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn xã và từ các địa phương khác trên tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Huổi Luông (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) quản lý. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây tình trạng trên đã giảm hẳn. Cụ thể năm 2015 có gần 80 trường hợp xuất cảnh trái phép sang lao động ở bên kia biên giới, nhưng tới năm 2017 chỉ còn vài trường hợp và đến hết quý I/2018 tại xã không có trường hợp nào xuất cảnh trái phép.

Có được kết quả này là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong tuyên truyền, vận động người dân không đi lao động trái phép đồng thời, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tạo việc làm, thu nhập ổn định để người dân không xuất cảnh trái phép đi lao động.

Với những người trở về, cán bộ Đồn Biên phòng lấy chính họ làm công tác tuyên truyền để người dân hiểu những hậu quả của việc đi lao động trái phép.

Xử lý "điểm nóng" xuất cảnh trái phép ở vùng biên giới Huổi Luông ảnh 2Cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu hướng dẫn người dân chăn nuôi dê núi phát triển kinh tế. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Theo Đại úy Nguyễn Mạnh Linh - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông, nhận thức của người dân đối với vấn đề xuất cảnh lao động trái phép được nâng lên rõ rệt.

Đại úy Nguyễn Mạnh Linh cho biết thêm, đến hết tháng 3/2018, Đồn chưa ghi nhận thêm trường hợp nào xuất cảnh sang lao động trái phép. Đồn đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp, cử cán bộ xuống từng bản tuyên truyền, vận động người dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ của đồn phải học tiếng dân tộc để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn. Đối với những trường hợp đi lao động đã quay về chúng tôi tiến hành phân tích hậu quả cũng như các thủ đoạn của những đối tượng dụ dỗ nên hiện nay cơ bản đã hạn chế được vấn đề lao động xuất cảnh trái phép.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, một trong những lý do khiến người dân xuất cảnh trái phép đi lao động bên kia biên giới là đất canh tác ít, thời gian nông nhàn nhiều, gia đình đông con… Để giải quyết vấn đề trên, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã cùng cấp ủy, chính quyền xã Huổi Luông vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng phát triển cây chuối - một trong những loại cây trồng có thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao của địa phương hiện nay.

Ông Lê Văn Dung - Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông cho biết, hiện tại, diện tích trồng chuối trên địa bàn xã đạt khoảng 1000 ha, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Mỗi kg chuối được thu mua với giá khoảng 21.000-23.000 đồng. Ngoài cây chuối, người dân trong xã còn trồng các loại cây khác cho thu nhập ổn định như nghệ đen, sắn, ngô... đem lại thu nhập ổn định hơn so với trước kia.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước kia ở bản Pô Tô – bản đầu tiên của tỉnh Lai Châu được phía Trung Quốc mời sang ký biên bản kết nghĩa thôn bản hữu nghị với bản Cửa Cải (thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) có rất nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép sang bên nước bạn lao động nhưng hiện nay tình trạng này đã không còn. Tại bản có những hộ trồng 4-5ha chuối, thu nhập cả trăm triệu đồng, cao hơn nhiều so với các bản khác. Khi thu nhập của người dân ổn định, đời sống kinh tế được nâng cao, cộng với việc sau khi kết nghĩa, tình cảm của người dân hai bên cũng thân thiết hơn, cùng nhau hỗ trợ giúp đỡ nhau làm ăn nên không còn tình trạng người dân trong bản xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới lao động.

Ông Lý A Khớ, Trưởng bản Pô Tô (xã Huổi Luông) chia sẻ những năm trước, do cuộc sống khó khăn nên nhiều người trong bản đã xuất cảnh trái phép đi lao động ở bên kia biên giới nhưng hiện nay đã không còn. Nhờ được tuyên truyền, vận động của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng, của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như việc trồng chuối, sắn, ngô và các loại nông sản khác bán sang Trung Quốc được giá cao, cuộc sống ổn định hơn, không còn ai nghĩ đến chuyện xuất cảnh lao động trái phép nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục