Xu hướng xoay chuyển dòng vốn trước áp lực tăng lãi suất của FED

Giới chuyên gia quan ngại, việc tăng lãi suất của FED và giá trị của USD sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược phân bổ vốn toàn cầu của nhà đầu tư nước ngoài, với xu hướng rút tiền ở các thị trường mới nổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Phân tích từ giới chuyên gia, việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và giá trị của USD sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược phân bổ vốn toàn cầu của nhà đầu tư nước ngoài, với xu hướng rút tiền ở các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam, để chuyển về Mỹ.

Ngày 14/12, FED công bố tăng nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm (ngày 14/12), từ biên độ 0,25%-0,5% lên 0,5%-0,75%. Bất ngờ hơn, các quan chức của cơ quan này còn cho biết sẽ tiếp tục tiến hành ba đợt tăng lãi suất đạt 1,4% vào cuối năm 2017 và tăng lên 2,1% vào cuối năm 2018.

Dòng vốn đảo chiều

Trong quá khứ tại lần nâng lãi suất (12/2015), thị trường kỳ vọng về khả năng nâng lãi suất tiếp theo đã khiến các quỹ ETF trong khu vực ASEAN nhanh chóng rút vốn (thời điểm 1/2016), do đó không ít ý kiến quan ngại biến cố tương tự có thể xảy ra trong đợt tăng lãi suất này.

Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt, các quỹ ETF đã rút vốn ròng ở Việt Nam tại thời điểm 1/12 đạt 149,54 triệu USD (xấp xỉ 23% tổng tài sản ròng của hai quỹ FTSE ETF và VNM ETF) và đây cũng là mức rút ròng lớn nhất kể từ khi các quỹ này hoạt động.

Trên thị trường trái phiếu, khối ngoại cũng bán ròng, trong chính tháng đầu của năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 22.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp. Song, họ chuyển sang bán ròng 2.500 tỷ đồng (10/2016) và 7.500 tỷ đồng (11/2016).

Báo cáo khác từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn, trên thị trường quốc tế, các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ đã được rót thêm 40 tỷ USD (11/2016) đồng thời các quỹ đầu tư cổ phiếu ở thị trường mới nổi bị rút 7,2 tỷ USD, điều này cho thấy hiện tượng rút vốn tại Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung.

Tuy nhiên ở tuần trước (5-12/12), đà rút vốn tại khu vực ASEAN đang có sự giảm nhiệt, khối ngoại bắt đầu quay lại mua ròng tại Thái Lan và Philippines đồng thời giảm bán ròng tại Indonesia và Việt Nam. Điều này đã giúp chỉ số chứng khoán của Thái Lan, Philippines, Indonesia tăng điểm và chỉ số ở Việt Nam giảm nhẹ. Về diễn biến giao dịch tại khu vực ASEAN, các quỹ ETF đã tăng được chứng chỉ quỹ tại Thái Lan, nhưng vẫn giảm tại Indonesia và Việt Nam.

Mặc dù, VNM ETF đã dừng rút chứng chỉ quỹ nhưng FTSE ETF tiếp tục bị rút trong tuần 830.000 đơn vị, tương đương 17,3 triệu USD.

 

Song lý giải cho việc giảm quy mô rút vốn tại các nước ASEAN, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng: “Có thể đến từ một nguyên nhân đơn giản, đó là trước đó nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn đủ và họ tạm thời dừng lại để đánh giá thêm.”

Cơ hội từ các cổ phiêu riêng lẻ

Dự báo dòng vốn về thị trường Việt Nam trong năm 2017, ông Linh chỉ ra, nếu chỉ nhìn dòng vốn chung từ đầu tư chứng khoán sẽ thấy nhà đầu tư nước ngoài rút vốn. Song thực tế, cơ hội đầu tư vẫn có ở các mã cổ phiếu riêng lẻ, với những tính chất riêng có thể hấp dẫn từng quỹ đầu tư.

“Tại SSI, tổng số tiền ký quỹ của nhà đầu tư đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng thời điểm cuối năm ngoái. Nguyên nhân ký quỹ tăng mạnh xuất phát từ nhu cầu thị trường và bài toán kinh doanh từ doanh nghiệp,” ông Linh nói.

Năm vừa qua cổ phiếu thép mang về cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận tăng 88%, cao nhất trong các nhóm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Artex chỉ ra một có ngành có triển vọng đầu tư trong năm tới, như giá thép hiện tăng khoảng 30% đồng thời lượng sản xuất cũng tăng mạnh, do được hưởng lợi từ sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản. Trên thị trường chứng khoán, hàng hoá cơ bản cũng đã qua chu kỳ đáy, vì vậy 5 năm tới 7 năm tới là thời kỳ tăng trưởng của ngành này.

Ngoài ngành thép, ông Đông cho rằng lĩnh vực hoá chất và dầu khí cũng có tiềm năng tốt. Cụ thể, giá dầu thô đã tăng 40% so với đầu năm nhưng cổ phiếu chưa tăng giá nhiều, nguyên nhân là do ngành này đang gặp một số vấn đề về tổ chức. Vì vậy khi quá trình này hoàn thành, cổ phiếu sẽ có triển vọng.

Tuy nhiên, ông Đông cũng thừa nhận: "Trong điều kiện ngân hàng không bơm tiền cho chứng khoán thì tiền đâu ra cho thị trường? Mặc dù, ngân hàng dừng cho vay giao dịch chứng khoán từ năm 2015 song vẫn còn những kênh khác. Nhưng bây giờ, dòng vốn đổ vào thị trường sẽ phụ thuộc vào túi tiền của các nhà đầu tư. Đối với dòng vốn ngoại, các quỹ có tính đầu cơ cao cũng đã dần rút khỏi thị trường.”

Tham chiếu từ thị trường trái phiếu, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành kế hoạch phát hành 281.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ của năm 2016, với kỳ hạn huy động trung bình dài hơn trong khi lãi suất lại thấp hơn so với năm 2015.

Theo giới chuyên môn, thành công này có được là nhờ sự dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhưng điều này cũng phản ánh mức độ thâm hụt ngân sách so với những năm mà hệ thống ngân hàng có thanh khoản tốt (như năm 2013-2014).

Ngoài ra gần đây, nhiều chuyên gia cũng dự báo hiện tượng dư thừa thanh khoản sẽ giảm trong năm 2017, khi áp lực tỷ giá và nhập siêu sẽ khiến nguồn cung tiền giảm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục