Xu hướng thị trường tương đồng với thời điểm 'lao dốc' tháng 3/2020

VN-Index quay lại vùng giá 1.000-1.030 điểm tương ứng đỉnh của năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Xu hướng giá và tâm lý của thị trường khá tương đồng với tuần giảm điểm mạnh tháng 3/2020.
Chỉ số VN-Index về gần mức 1.000 điểm. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thị trường chứng khoán Việt Nam chào tháng Mười bằng một tuần lao dốc của VN-Index đồng thời kéo dài chuỗi điều chỉnh lên năm tuần liên tiếp. Tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường khiến áp lực bán lan tỏa trên tất cả các dòng cổ phiếu lớn, nhỏ.

Áp lực bán chiếm ưu thế

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index “bốc hơi” 96,2 điểm (-8,5%), lao một mạch xuống mức 1.035,91 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index mất 24,16 điểm (-9,7%) và xuống mức 226,09 điểm.

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần giao dịch trước đó, song giá trị vẫn đạt xấp xỉ mức trung bình của 20 tuần gần nhất.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 68.277 tỷ đồng, tăng 12,8% so với tuần trước đó với khối lượng tương ứng 2.841 triệu cổ phiếu, tăng 18,1%. Phía sàn HNX, giá trị giao dịch cũng giảm 17,6%, đạt mức 5.360 tỷ đồng tương ứng khối lượng 311 triệu cổ phiếu, giảm 6,3%.

[TTCK: Nhà đầu tư tháo chạy, VN-Index lao dốc và mất gần 45 điểm]

“Điều này cho thấy áp lực bán trên thị trường vẫn còn khá mạnh. Tuy nhiên, thanh khoản đã bất ngờ tăng vọt trong phiên giao dịch cuối tuần, thể hiện lực cầu bắt đáy đã bắt đầu xuất hiện,” ông Thắng nói.

Giá trị giao dịch trong tuần theo ngành:

(Nguồn: SHS)

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đà giảm điểm của thị trường tiếp tục nới rộng trước làn sóng “call margin” [lệnh dừng ký quỹ-PV] tại nhiều dòng cổ phiếu.

“Thông tin hỗ trợ trong tuần vừa qua là việc Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 4 ngân hàng (VP Bank, MB, HD Bank và Vietcombank). Nhưng, thông tin này đã bị lấn át bởi sự thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng bất chấp động thái bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước trong những phiên gần đây, thể hiện qua việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt vượt mức 8%. Cùng với đó, một số tin đồn lan tỏa nhanh chóng trên thị trường càng khiến tâm lý của nhà đầu tư trở nên bi quan, kích hoạt đà bán tháo trong phiên giao dịch cuối tuần,” ông Hinh nói.

[Bắt Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan]

Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên hai sàn với giá trị ròng đạt 615 tỷ đồng, trong đó HPG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 33 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB và DXG với lần lượt 20,2 triệu cổ phiếu và 7,7 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, FUEVFVND là mã chứng khoán được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 7,6 triệu chứng chỉ quỹ.

VN-Index về vùng đỉnh của năm 2019

Với mức giảm điểm mạnh của các chỉ số chính trên cả hai sàn, thị trường ghi nhận sự sụt giảm giá trị vốn hóa trên toàn bộ các nhóm ngành. Cụ thể, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm 15,8%, nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng giảm 9% và nhóm công nghệ thông tin giảm 8,2%...

Nhóm cổ phiếu có vai trò nâng đỡ thị trường như ngân hàng giảm tới 11,8%, trong đó VCB (-8,9%), BID (-13,9%), TCB (-16,2%), MBB (-15,3%), ACB  (-16,0%), VPB (-14,8%) và STB (-18,7%).

“Đà giảm của nhóm Ngân hàng diễn ra bất chấp thông tin điều chỉnh hạn mức tăng trưởng room tín dụng cho 4 ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước và đà giảm điểm này đã lan tỏa đến hầu hết các ngành còn lại,” ông Hinh nói.

Các mã chứng khoán giao dịch nhiều nhất trong tuần:

(Nguồn: SHS) - (*) Giá tham chiếu - Đơn vị: Nghìn đồng

Theo ông Hinh, trong bối cảnh thị trường thiếu vắng những thông tin hỗ trợ, cộng với trạng thái tâm lý yếu của nhà đầu tư cùng những tin đồn chưa được xác thực xuất hiện, đã khiến nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh và bán tháo cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua.

Đà giảm mạnh thời gian qua đã khiến định giá của chỉ số VN-Index rơi về mức P/E [Hệ số giá trên lợi nhuận-PV] xấp xỉ 11 lần, gần tương đương với giai đoạn đáy COVID-19 hay giai đoạn cuối năm 2012 (giai đoạn lãi suất tăng vọt, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu ngân hàng tăng cao).

“Để so sánh giữa thời điểm hiện tại với các thời điểm đó là khá khiên cưỡng, tuy vậy sự so sánh cũng phần nào cho thấy đà giảm thị trường vừa qua đã có phần thái quá, chịu ảnh hưởng quá mức bởi tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Trong đó, định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn như HPG hay nhiều ngân hàng đã về mức P/B [Tỷ lệ giá trên sổ sách-PV] xấp xỉ 1 lần. Điều này là rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng như COVID-19, hay giai đoạn đóng băng bất động sản và nợ xấu cao (2011-2022),” ông Hinh cho biết.

[NHNN khuyến cáo người dân không nên rút tiền trước hạn tại SCB]

Điểm đáng lưu ý, thị trường đã bị ép về trạng thái quá bán rất sâu và nhiều cổ phiếu có định giá rất hấp dẫn, kích hoạt lực cầu bắt đáy. Trong bối cảnh thị trường đã giảm sâu liên tục trong thời gian qua và chỉ số VN-Index về gần mức 1.000 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên bình tĩnh và dừng bán tháo đồng thời cân nhắc kỹ trước khi bán ra. Vì tâm lý chán nản có thể khiến nhà đầu tư rời bỏ thị trường và không kịp quay trở lại trong giai đoạn thị trường phục hồi mạnh sau đó,” ông Hinh khuyến nghị.

Phân tích về dòng tiền, ông Thắng cho hay thị trường chứng khoán trong nước đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực rút vốn ròng của các quỹ ETF (do lãi suất tăng từ thị trường quốc tế cũng như diễn biến lãi suất, tỷ giá trong nước) cộng thêm áp lực giải chấp của thị trường.

“Sau gần 3 năm, VN-Index quay trở lại vùng giá 1.000-1.030 điểm tương ứng đỉnh giá cao nhất năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Xu hướng giá và tâm lý của thị trường hiện tại đang khá tương đồng với tuần giảm điểm mạnh tháng 3/2020. Vì vậy có thể hy vọng thị trường sẽ dần phân hóa, áp lực bán giải chấp, rút vốn sẽ giảm dần trong 01-2 tuần tới tại vùng hỗ trợ đỉnh giá cao nhất năm 2019 là 1.000-1.030 điểm,” ông Thắng nhận định.

Theo ông Thắng, trong ngắn hạn tâm lý thị trường vẫn rất bi quan, mức độ sợ hãi tương đương các thời điểm khủng hoảng. Do đó, xu hướng ngắn và trung hạn của VN-Index vẫn đang suy giảm. Thị trường muốn cân bằng trở lại, các áp lực bán cần giảm bớt đồng thời diễn biến lãi suất, tỷ giá cũng cần ổn định trở lại. 

“Vì vậy, nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỉ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về báo cáo quí 3 của doanh nghiệp, cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện mới xem xét gia tăng thêm tỉ trọng đầu tư,” ông Thắng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục