Giá dầu ngọt nhẹ và dầu Brent liên tục trồi sụt thất thường trong cả tuần qua, giữa bối cảnh cán cân cung cầu vẫn lệch, đồng USD mạnh lên và triển vọng kinh tế toàn cầu còn khá ảm đạm.
Sau khi sụt giảm phiên đầu tuần (22/9) do những lo ngại về việc Trung Quốc sẽ "chậm trễ" trong việc kích thích kinh tế, cùng với những số liệu không khả quan trong lĩnh vực nhà đất của Mỹ, thị trường năng lượng Mỹ và Anh lại biến động ngược chiều trong ngày giao dịch 23/9.
Khi giá dầu ngọt nhẹ tại Mỹ được hỗ trợ bởi báo cáo mới nhất từ ngân hàng HSBC cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong tháng 9/2014, xóa bớt những nghi ngại của giới đầu tư về triển vọng tăng trưởng chậm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì giá dầu Brent lại chịu sức ép đi xuống bởi tình trạng cung vượt quá cầu vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Sản lượng dầu tại Libya hiện đã tăng lên mức 800.000 thùng/ngày, so với mức tương ứng cuối tuần trước là 700.000 thùng/ngày, do giếng dầu chủ chốt El Sharara đã bắt đầu hoạt động trở lại, còn lượng dầu xuất khẩu tại khu vực miền Nam Iraq trong tháng Chín này đã tăng lên 2,6 triệu thùng/ngày, tiến gần tới mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng Năm.
Báo cáo ngày 24/9 từ Bộ Năng lượng Mỹ đã giúp thị trường dầu mỏ phục hồi ngay trong phiên này. Cụ thể, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 19/9 đã giảm tới 4,3 triệu thùng, mức giảm sâu hơn nhiều so với con số ước tính của giới quan sát là giảm 500.000 thùng. Thông tin này đã khiến các nhà đầu tư “bỏ ngoài tai” việc chỉ số niềm tin kinh doanh tháng Tám của Đức giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013, nhân tố đẩy giá dầu Brent Biển Bắc rơi xuống mức “đáy” của hai năm (95,60 USD/thùng) vào đầu phiên.
Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” lại lình xình bất nhất trong phiên giao dịch liền sau đó, giữa lúc đồng USD tăng mạnh, còn nhà đầu tư thì giữ tâm lý thận trọng trước tình hình "sức khỏe" mong manh của nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Giá hai loại dầu New York và Brent tiếp tục chạy ngược chiều nhau trên thị trường Mỹ và Anh trong phiên cuối tuần (26/9), khi tình trạng căng thẳng tại "chảo lửa" Trung Đông lại bắt đầu "nóng" lên, nhất là sau cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria đã tiêu diệt được hơn 20 phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ngoài ra, báo cáo đánh giá lần thứ ba của Bộ Thương mại Mỹ, vừa được công bố ngày 26/9, cho hay tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 2/2014 đạt 4,6%, mức cao nhất kể từ quý 4/2011, cũng góp phần hỗ trợ giá mặt hàng nhiên liệu chiến lược này.
Chốt phiên, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2014 tăng 1,01 USD, lên 93,54 USD/thùng, tăng 2,1% so với mức đóng cửa tuần trước đó là 92,85 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn lại không biến động so với phiên trước, đứng vững ở mức 97 USD/thùng, hạ 1,4% so với mức tương ứng của tuần trước là 97,76 USD/thùng. Diễn biến trên đã khiến mức chênh lệch giá giữa hai loại dầu này giảm xuống còn 3,46 USD - thấp nhất kể từ tháng 7/2014./.