"Thời đại" lạm phát của Mỹ đến sớm hơn dự kiến, với những rủi ro chắc chắn sẽ lan rộng khắp toàn cầu, tạo ra nguy cơ mới cho kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn là châu Âu và Nhật Bản thiếu động lực phục hồi, quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nghiêm trọng, câu hỏi đặt ra là ai sẽ có thể hóa giải cú sốc lạm phát từ nền kinh tế lớn nhất thế giới?
Có thể nói, làn sóng lạm phát dữ dội này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả những tác động tiêu cực mà dịch bệnh COVID-19 gây ra cho thị trường toàn cầu.
Vung tiền để đổi lấy tăng trưởng…
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 của Mỹ đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 2008. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020 và 0,6% so với quý trước đó, ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được theo dõi vào năm 2010.
Giá các mặt hàng chiến lược được nhà đầu tư phổ biến quan tâm như dầu thô, đồng và thép cây, than nhiệt điện, quặng sắt… cũng liên tục gia tăng.
Trong cùng thời gian đó, PPI tháng Tư của Trung Quốc đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, biên độ tăng trong 5 tháng liên tiếp đều ở mức 1%. Điều này cho thấy xu hướng giá tiếp tục tăng tương đối mạnh.
Trong số những nền kinh tế chủ chốt toàn cầu, các tổ chức và định chế lớn trên thế giới lần lượt dự báo kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh trên 7%, với Trung Quốc có khả năng lên tới hơn 8%.
Đây là thông tin tích cực, phản ánh việc kinh tế toàn cầu sẽ đón nhận thời đại mới với động cơ “hai thì” sau dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là lạm phát đã đến vào lúc tình hình dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
[Chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden: Xuất hiện tư duy kinh tế mới]
Điều này khiến giới quan sát liên tưởng đến thời kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính Phố Wall. Khi đó, cộng động quốc tế đã vui mừng chào đón sự phục hồi của kinh tế toàn cầu mà không nhận ra rằng rủi ro lạm phát - hậu quả của 3 vòng nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ - đã gây ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu hơn 10 năm sau đó.
Trên thực tế, cho đến khi xảy ra dịch bệnh, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa thực sự bình thường hóa chính sách tiền tệ. Đặc biệt trong giai đoạn sau của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, dưới tác động của nhiều nhân tố bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, dịch bệnh và bầu cử, ông Trump đã luôn thúc ép Chủ tịch Fed Jerome Powell thực hiện chính sách nới lỏng, thậm chí lãi suất âm. Do đó, chính sách tiền tệ của Mỹ luôn duy trì trạng thái không giới hạn.
Dưới thời tân Tổng thống Joe Biden, xuất phát từ nhu cầu chống dịch, Washington không những tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng mà còn thực hiện các gói cứu trợ tài chính quy mô lớn.
Trong 100 ngày sau khi lên cầm quyền, ông Joe Biden đã đưa ra ba chương trình cứu trợ với tổng giá trị lên đến hơn 5.000 tỷ USD, bao gồm cả những kế hoạch tham vọng nhằm ứng phó với Trung Quốc, đặc biệt là kế hoạch xây dựng hạ tầng quy mô lớn...
Điều này có nghĩa là động thái vung tiền không tiếc tay của Chính quyền ông Joe Biden không những thể hiện rõ sự lo lắng của Mỹ, mà còn mang lại cảm giác bất ổn cho thị trường.
Đương nhiên, các chương trình cứu trợ quy mô lớn của ông Joe Biden cũng đã kích thích sự hưng phấn của thị trường, cộng thêm tính hiệu quả cao từ việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Mỹ, xu hướng phục hồi kinh tế mạnh mẽ được thể hiện rõ ràng.
… dẫn đến rủi ro lạm phát
Tuy nhiên, "đốt tiền" để đổi lấy tăng trưởng là biện pháp sẽ phải trả giá đắt, và lạm phát ập đến chính là hậu quả trực tiếp.
Chính sách nới lỏng định lượng để ứng phó với khủng hoảng tài chính Phố Wall trước đây của Mỹ là nguyên nhân gây ra hiệu ứng lan tỏa lạm phát khắp thị trường toàn cầu.
Mặc dù vậy, vào thời điểm đó, Mỹ và đồng USD vẫn có sức hấp dẫn nhất định, và Trung Quốc cũng đã “pha loãng” rủi ro lạm phát của Mỹ thông qua kế hoạch đầu tư khổng lồ 4.000 tỷ nhân dân tệ.
Điều này phản ánh một nhận thức kinh tế học đơn giản, đó là trong thời đại toàn cầu hóa, hợp tác giữa các nước lớn để cùng ứng phó với rủi ro là cần thiết.
Kế hoạch đầu tư khổng lồ 4.000 tỷ nhân dân tệ của Trung Quốc đã “pha loãng” rủi ro lan tỏa do chính sách nới lỏng định của Fed gây nên, đồng thời gia tăng thêm niềm tin cho thị trường toàn cầu.
Tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc đối với kinh tế thế giới duy trì ổn định ở mức 30% trong 10 năm qua.
Trung Quốc sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế bước vào trạng thái bình thường mới, tăng trưởng kinh tế bước vào giai đoạn “trung bình cao.” Đương nhiên, điều này cũng thúc ép nước này chủ động thúc đẩy đẩy cải cách kết cấu trọng cung, đưa kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển chất lượng cao.
Thực tế hiện nay cho thấy việc Mỹ in tiền quá mức đã khiến cho hình tượng đồng USD mai một. Thời đại lạm phát của Mỹ đến sớm hơn dự kiến và rủi ro lan tỏa của hiện tượng này chắc chắn sẽ lan rộng khắp toàn cầu, gây nên những nguy cơ mới cho nền kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn là châu Âu và Nhật Bản thiếu động lực phục hồi, quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nghiêm trọng, câu hỏi đặt ra là ai sẽ hóa giải cú sốc lạm phát từ Mỹ? Có thể nói làn sóng lạm phát dữ dội này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh gây nên cho thị trường toàn cầu.
Ai sẽ hóa giải cú sốc lạm phát?
Các chuyên gia phân tích cho rằng dường như Mỹ đang một lần nữa “thu hoạch” thế giới. Do hai nền kinh tế lớn là châu Âu và Nhật Bản đang vật lộn với khó khăn, hơn nữa cũng đang thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa tương tự Mỹ, nên những rủi ro tài chính do lạm phát Mỹ gây nên sẽ tác động nhiều hơn đến các nước đang phát triển.
Theo đó, các thị trường mới nổi như Nga, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Thỗ Nhĩ Kỳ… sẽ chịu tác động lớn nhất. Tuy nhiên, giờ đây Trung Quốc không thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ trong chu kỳ này, và cũng không có kế hoạch đầu tư khổng lồ 4.000 tỷ nhân dân tệ tương tự như chu kỳ trước đó.
Bắc Kinh sẽ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực do lạm phát Mỹ gây nên đối với hệ thống tài chính, đặc biệt trong bối cảnh tình hình phục hồi kinh tế trong nước chưa ổn định, không cân bằng và cải cách kết cấu trọng cung chưa hoàn thành.
Do đó, Bắc Kinh vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với lạm phát Mỹ, củng cố các phòng tuyến ngăn ngừa rủi ro, ngăn chặn dòng vốn tháo chạy và sự hoảng loạn của thị trường gây nên từ khả năng Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán, tăng lãi suất.
Theo một số chuyên gia phân tích, so với lạm phát kép CPI và PPI của Mỹ, Trung Quốc chỉ PPI tăng. Tuy nhiên, PPI tăng cũng là tín hiệu cần cảnh giác, bởi vì giá nguyên vật liệu thượng nguồn tăng, chẳng hạn như giá than nhiệt điện, thép cây, quặng sắt và các sản phẩm chế tạo liên quan gia tăng đáng kể cũng sẽ kiềm chế sự phục hồi của kinh tế sau dịch bệnh.
Điều may mắn là CPI chỉ tăng nhẹ, do đó lạm phát của Trung Quốc không phải là “lạm phát thực sự”, mà do hiệu ứng lan tỏa của lạm phát Mỹ gây nên.
Một mặt, Mỹ phát hành tiền quá mức khiến giá tư liệu sản xuất và hàng hóa sinh hoạt tăng mạnh. Mặt khác, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do dịch bệnh gây nên vẫn chưa hoàn toàn được kết nối thông suốt khiến nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng cũng đẩy lạm phát tổng thể lên cao.
Quan trọng hơn, kỳ vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ do các biện pháp kích thích cường độ mạnh và chiến dịch tiêm chủng vaccine tại Mỹ đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Đương nhiên, tình hình phục hồi kinh tế ổn định của Trung Quốc và nhu cầu mạnh mẽ từ việc mở rộng thị trường cũng đã đặt ra nhu cầu cao hơn đối với nguồn cung toàn cầu.
Lạm phát toàn cầu, bao gồm lạm phát tại Trung Quốc, chủ yếu gây nên từ hiệu ứng lạm phát của Mỹ, bởi vì ngay cả khi Trung Quốc có kế hoạch đầu tư khổng lồ trong chu kỳ này, thì Bắc Kinh cũng không thực hiện chính sách tiền tệ không giới hạn. Do đó, mối lo của lạm phát Trung Quốc phần nhiều là do Mỹ gây nên.
Việc tìm ra đối tượng chịu trách nhiệm cho lạm phát toàn cầu không khó khăn và mọi người đều biết nguyên nhân xuất phát từ Mỹ và đồng USD. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết mối nguy lạm phát trong hoặc sau dịch bệnh mới là điều quan trọng.
Đặc biệt, thái độ của Fed là hết sức đáng chú ý, từ không thừa nhận lạm phát ban đầu đến tuyên bố lạm phát chỉ là tạm thời, điều này đã khiến thị trường hoài nghi độ tin cậy của thể chế này.
Từ thời đại bà Janet Yellen đến thời đại của ông Jerome Powell, “tiêu chuẩn vàng” để Fed tăng lãi suất là lạm phát lõi vượt mức 2%. Hiện nay, tiêu chuẩn này này đã vượt quá lằn ranh, liệu Fed có tiếp tục có ý định “vỗ về” thị trường nữa hay không?
Cho dù Fed cương quyết không tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán, thì sự hoảng loạn của thị trường bị kiềm nén cũng có thể bùng phát, dẫn đến sự tháo chạy của dòng vốn ở các thị trường mới nổi và trên toàn cầu.
Trong kịch bản đó, Trung Quốc cũng khó tránh khỏi cú sốc nghiêm trọng, bởi suy cho cùng ngoài tác động tiêu cực từ lạm phát của Mỹ còn có dư chấn của cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu.
Tuy nhiên, tác động chồng chất của nhiều nhân tố sẽ dẫn đến liên kết thị trường tuần hoàn "ác tính," từ đó tác động ngược trở lại đối với thị trường Mỹ.
Sự phục hồi từ việc bơm tiền đổi lấy tăng trưởng của Mỹ nhanh ra sao, mức độ nguy hại gây nên từ lạm phát mạnh thế nào, thì sau cùng cũng sẽ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, hy vọng Fed có đủ bình tĩnh và sáng suốt, đủ kiên nhẫn với những hiệu quả chống dịch mang lại từ việc tiêm chủng vaccine của Mỹ, đồng thời cũng có đủ thời gian để thẩm thấu các kế hoạch cứu trợ siêu quy mô dưới thời ông Joe Biden.
Đối với Fed, việc tạm thời không tăng lãi suất là một lựa chọn khôn ngoan. Quan trọng hơn, điều này cũng có thể ổn định sức mạnh của Trung Quốc với tư cách là động lực chính của toàn cầu, giải phóng lợi tức từ sự hợp tác của hai cường quốc nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch./.