Thanh khoản hệ thống vẫn dư thừa, cầu tín dụng yếu nhưng làn sóng tăng lãi suất huy động vẫn "âm ỉ" diễn ra tại nhiều ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá mức tăng này sẽ không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm.
Lãi suất tiền gửi phân hóa mạnh
Ngày 22/7, Ngân hàng BIDV điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến nhưng lại giữ nguyên biểu lãi suất tiết kiệm trực tiếp tại quầy.
Theo đó, khách hàng gửi tiền trực tuyến kỳ hạn từ 6-11 tháng sẽ được cộng thêm 0,3% lên 3,3%/năm. Còn đối với kỳ hạn gửi tiền từ 24-36 tháng được tăng thêm 0,2% so với lãi suất gửi tiếp tại quầy, ở mức 4,9%/năm.
Với việc điều chỉnh lãi suất trên, BIDV tiếp tục là ngân hàng trả lãi suất cao thứ hai trong nhóm Big4. Hiện, VietinBank vẫn là ngân hàng trả lãi suất cao nhất lên đến 5%/năm cho tiền gửi trực tuyến, trong khi Vietcombank và Agribank niêm yết mức lãi suất cao nhất ở mức 4,7%/năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng dù gửi online hay trực tuyến thì cả 4 ngân hàng lớn đều giữ nguyên ở mức 4,6%-4,7%/năm, không thay đổi trong 3 tháng trở lại đây.
Tăng trưởng tín dụng sáu tháng cuối năm: Nhiều tín hiệu tích cực
Các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm. Nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15% sẽ còn một số khó khăn.
Như vậy, sau khi giảm xuống vùng thấp lịch sử, lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối tháng 3 và diễn ra trên diện rộng vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Và ngay đầu tháng 7, đã có 15 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, gồm: VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank và BIDV.
Trong nghiên cứu mới công bố, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết từ đầu quý 2 năm nay, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5%-1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau.
Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, các mức lãi suất mang tính chất thương mại (huy động từ dân cư và doanh nghiệp, thị trường liên ngân hàng…) đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, tương quan với lãi suất USD trên thị trường thế giới, với cả lợi tức đầu tư so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kim loại quý…
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất tiết kiệm trên thị trường tăng nhẹ như thời gian qua là hợp lý, giúp cân bằng lợi ích các bên, giữ chân người gửi tiền. Với hệ thống ngân hàng, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là giữ được lãi suất điều hành ổn định và mặt bằng lãi vay ở mức thấp để nền kinh tế phục hồi.
Trên thực tế, dù lãi suất huy động đã thoát đáy, song vẫn chưa hấp dẫn với người gửi tiền. Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng Tư, tiền gửi cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đạt 13,42 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng liền trước, tương đương khoảng 140.000 tỷ đồng, tăng 0,4% tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Như vậy, số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đã chính thức lập kỷ lục mới sau khi tăng trưởng âm so với cuối 2023 trong ba tháng đầu năm nay. Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm và tiếp tục lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 4/2024, tiền gửi cư dân đã tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cũng đánh giá diễn biến lãi suất huy động tăng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thị trường tiền tệ khi nhu cầu vốn cho vay của các ngân hàng thương mại cũng có xu hướng bật tăng kể từ tháng 3 trở lại đây. Cụ thể sau 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm, tín dụng từ tháng 3 đến tháng 6 cũng đã phục hồi mạnh trở lại. Đặc biệt, định hướng chung của ngành ngân hàng cũng vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm.
Lãi suất cho vay sẽ ra sao?
Một số tổ chức dự báo mặt bằng lãi suất huy động từ nay đến cuối năm vẫn sẽ nhích lên nhưng không tăng mạnh.
Lãnh đạo Ngân hàng UOB dự báo mặt bằng lãi suất huy động VND từ nay đến cuối năm vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25-0,75%, tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng ở mức khoảng từ 3% đến 6%. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4%-5% trong năm 2024.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng nhận định lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5% từ nay cho tới cuối năm, lên mức quanh vùng đáy COVID-19 giai đoạn 2020-2021.
Trước thực trạng đó, KBSV cũng đưa ra dự báo về lãi suất cho vay trong 2 quý còn lại của năm nay. Theo tổ chức này, khi chi phí vốn tăng, cộng thêm với việc lãi suất cho vay đã tạo đáy, nên nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ vào cuối năm. Mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh do có vai trò hỗ trợ kinh tế sẽ giữ lãi suất cho vay thấp tương đối, trong khi các ngân hàng tư nhân có xu hướng tăng lãi suất để điều chỉnh phù hợp với sự tăng của lãi suất đầu vào.
Trong khi đó, nói về nỗi lo tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới, một lãnh đạo nhóm Big4 nêu quan điểm. Ngân hàng Nhà nước đã bán USD nhằm can thiệp tỷ giá, tức là đã hút bớt một lượng tiền đồng trong hệ thống. Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục hút ròng tiền đồng thông qua việc phát hành tín phiếu. Điều đó cho thấy thanh khoản trên hệ thống không hề có dấu hiệu căng thẳng.
Bên cạnh đó, cầu tín dụng vẫn rất yếu, nên không có lý do gì để các ngân hàng thương mại phải nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền gửi nhàn rỗi của người dân.
Vì theo quan sát cách thức điều chỉnh tăng lãi suất của nhiều ngân hàng thấy rằng chỉ tăng mạnh đối với các kỳ hạn có ít người gửi như 4-5-7-8-9-10-11 tháng, nhưng lại tăng rất nhẹ nhàng với các kỳ hạn chủ chốt (6 tháng và 12 tháng).
Vì vậy, theo quan điểm của vị lãnh đạo trên lãi suất cho vay sẽ không có biến động nhiều so với trước.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thu Hằng -Trưởng Phòng Khối tư vấn đầu tư thuộc Công ty chứng khoán VPS cho biết lãi suất gần đây có tăng nhưng thực chất chỉ tăng trên nền vùng đáy rất thấp giai đoạn đầu năm 2024. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động dù đã tăng nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước dịch COVID-19 và điều đó cho thấy diễn biến tăng lãi suất chưa đủ tác động đáng kể đến các kênh tài sản khác, trong đó có chứng khoán./.