Xu hướng kết hôn với người ngoại quốc của các hoàng tử Malaysia

Các nhà quan sát nói rằng các cuộc hôn nhân đa văn hóa của hoàng gia có liên quan nhiều đến lịch sử thuộc địa đầy màu sắc của Malaysia cũng như những động lực chủng tộc hiện đại tại quốc gia này.
Thái tử bang Kelatan của Malaysia Tengku Muhammad Faiz Petra và người vợ Thụy Điển Sofie Louise Johansson. (Nguồn: SCMP)

Sophie Louise Johansson, một phụ nữ Thụy Điển, đã trở thành thành viên mới nhất của hoàng gia bang Kelantan, Malaysia sau khi kết hôn với thái tử bang này là Tengku Muhammad Faiz Petra vào ngày 20/4 vừa qua.

Tengku Faiz là thành viên hoàng gia tiếp theo kết hôn với một người ngoại quốc, sau Tunku Tun Aminah Sultan Ibrahim, con gái duy nhất của quân chủ bang Johor, người đã kết hôn với cầu thủ bóng đá Hà Lan Dennis Muhammad Abdullah vào năm 2017.

Cặp đôi hoàng gia đã gặp nhau tại London khi Johansson, người có bằng đại học chuyên ngành tiếng Anh và xã hội học đang vừa làm vừa học.

Không có nhiều thông tin về mối quan hệ giữa cô dâu 33 tuổi và vị hoàng tử 45 tuổi, tuy nhiên báo chí Anh cho biết họ đã gặp gỡ nhau cách đây vài năm và cô dâu được hưởng nền giáo dục bình thường tại quê nhà Thụy Điển. 

Đám cưới của họ diễn ra khoảng ba tháng sau khi anh trai của Muhammad Faiz, Muhammad V, thoái vị khỏi ngôi quốc vương Malaysia.

Quyết định thoái vị của nhà vua 49 tuổi được đưa ra không lâu sau khi có tin ông đã kết hôn với cựu nữ hoàng sắc đẹp 25 tuổi người Nga, Oksana Voevodina.

Theo hệ thống quân chủ lập hiến của Malaysia, từng người trong số 9 nhà cai trị theo dòng dõi đều được trao cơ hội trở thành vua trong vòng 5 năm theo cơ chế luân chuyển.

Và hơn 10 năm trước, Tengku Muhammad Fakhry Petra, cậu em trai 41 tuổi của hai hoàng tử Kelantan, người đã bị tước danh hiệu vào năm 2010 cũng đã xuất hiện trên các mặt báo nhờ cuộc hôn nhân với người mẫu mang hai dòng máu Indonesia-Mỹ là Manohara Odelia Pinot, khi đó mới 16 tuổi. Cặp đôi này sau đó đã sớm ly hôn khi cô dâu tuổi teen cáo buộc Muhammad Fakhry đã bắt cóc cô.

Các nhà quan sát nói rằng các cuộc hôn nhân đa văn hóa của hoàng gia có liên quan nhiều đến lịch sử thuộc địa đầy màu sắc của Malaysia - thực dân Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh đã từng đặt chân đến đây - cũng như những động lực chủng tộc hiện đại tại quốc gia đa văn hóa và đa tôn giáo này.

Mặc dù nhìn chung là được chấp nhận, nhưng vẫn có những tranh cãi xoay quanh những cuộc hôn nhân này.

Một trong những trường hợp kết hôn đa văn hóa đầu tiên là cuộc hôn nhân giữa quân chủ thứ 21 của bang Johor, Abu Bakar, với Cecilia Catherine Lange, cô con gái mang nửa dòng máu Bali của một thương nhân Đan Mạch.

Cặp đôi này đã gặp gỡ tại Singapore năm 1870, sau đó yêu và kết hôn - bất chấp quy ước đòi hỏi sự thuần khiết chủng tộc khi đó.

Theo Saad Salman, một nhà báo người Canada kiêm "nhà quan sát hoàng gia" tự xưng, từ thời thuộc địa (1824-1963) khi Malaya vẫn còn là một phần của Đế chế Anh, những thành viên hoàng gia Malaysia đã được khuyến khích tiếp nhận những phong tục và truyền thống của nước Anh.

"Điều này dẫn đến một số cuộc hôn nhân giữa phụ nữ châu Âu và các quân chủ tại đây - một điều mà giới tinh hoa thực dân không khuyến khích, nhưng nhìn chung lại được dân chúng chấp nhận," Salman chia sẻ.

Những người phương Tây sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong việc cải sang đạo Hồi, theo Aaron W. Hughes, một giáo sư nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Rochester.

"Nhìn từ phương diện Hồi giáo, một người phương Tây sẽ dễ thích nghi hơn vì họ đã quen với những chủ đề Do Thái giáo-Thiên Chúa giáo được Hồi giáo tiếp nối như: Chúa, sự sáng tạo, lời tiên tri, Ngày phán xét...," ông nói.

"Lấy ví dụ, một Phật tử hay một người theo đạo Hindu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nắm bắt những vấn đề đó."

Dưới sự cai trị của người Anh, các nhóm dân tộc ở Malaysia đã được phân loại thành người Mã Lai, người Trung Quốc và người Ấn Độ, và cách phân loại này vẫn được tiếp tục áp dụng tới ngày nay. Mặc dù xã hội Malaysia tuân thủ theo các nguyên lý về đa văn hóa, nhưng các học giả nói rằng sự phân chia cứng nhắc giữa các nhóm này đã khiến việc liên hôn trở nên ít phổ biến hơn, nhất là trong giới tinh hoa.

"Bất chấp sự phân biệt chủng tộc ở mức độ cao, nhiều người Malaysia - những công dân bình thường, thành viên của giới tinh hoa chính trị và kinh tế, chính trị gia đối lập, lãnh đạo tôn giáo, trí thức, nghệ sỹ và những tín đồ của văn hóa đai chúng - khẳng định rằng họ là những người chống phân biệt chủng tộc và thường chỉ trích những giả định phân biệt chủng tộc phổ biến. Nhưng những người trung thực và sâu sắc hơn trong số họ... đang cảm thấy lo lắng trước ảnh hưởng của những giả định đó với ý thức của chính họ," cố học giả Joel S Kahn từng bày tỏ quan điểm trong bài viết “Điều làm nên và phá hủy dân tộc Mã Lai,” trong Tạp chí Quốc tế về Thực hành Văn hóa và Xã hội năm 2005.

Vua Malaysia thoái vị Muhammad V. (Nguồn: AFP)

Theo Salman, Malaysia có những mối quan hệ lâu dài, đặc biệt là thông qua chủ nghĩa thực dân, với châu Âu, từ đó dẫn đến những cuộc hôn nhân với người nước ngoài.

"Có cả những ví dụ về người hoàng gia Malaysia kết hôn với những người tới từ những vùng khác ở châu Á, châu Mỹ và Australia."

Có thể kể đến sự kiện năm 1981, khi Jacqueline Pascarl, một nữ phóng viên kiêm cựu vũ công ba lê người Australia kết hôn với hoàng tử Malaysia - Dato Raja Kamarul Bahrin của bang Terengganu. Cuộc hôn nhân này sau đó đã đổ vỡ, thậm chí còn dẫn đến những cáo buộc về bắt cóc trẻ em, khi Pascarl buộc tội vị hoàng tử đã cướp hai người con khỏi tay mình.

Nói về quá trình chuyển đổi sang đạo Hồi trên thực tế, học giả Hughes nói rằng đây là một quá trình đơn giản.

[Quốc vương Malaysia Muhammad V thoái vị sau 2 năm nắm quyền]

"Tất cả những gì bạn phải làm là tuyên bố rằng bạn tin là trên đời không có thần thánh mà chỉ có Chúa, và Muhammad là sứ giả của Ngài," ông nói.

"Đương nhiên là bạn sẽ phải tuyên bố điều đó với thái độ phù hợp để nó có hiệu lực. Từ đó, một người không theo đạo Hồi có thể trở thành người theo đạo Hồi một cách rất dễ dàng. Tất cả những gì họ cần làm, ít nhất là về lý thuyết, là từ bỏ rượu và thịt lợn, và bắt đầu cầu nguyện năm lần một ngày. Nếu họ muốn học tiếng Arab để đọc kinh Koran và các văn bản khác, họ có thể học. Nhưng họ không bắt buộc phải làm điều đó."

Tuy nhiên, việc học tập để nắm bắt những sắc thái của nền văn hóa Hồi giáo Mã Lai lại là một câu chuyện khác. Những vị hôn thê hoặc hôn phu ngoại quốc có lẽ sẽ gặp khó khăn hơn khi tìm hiểu về văn hóa Mã Lai, ở đó đạo Hồi chỉ là một phần nhỏ.

Ngay cả với Meghan Markle, việc trở thành nữ Công tước xứ Sussex cũng dẫn đến một sự thay đổi lớn về lối sống với cô, vì có rất nhiều sự khác biệt về văn hóa giữa Mỹ và Vương quốc Anh, bất chấp việc hai nền văn hóa cùng nói một ngôn ngữ.

Tuy nhiên, trở thành một thành viên của một gia đình hoàng gia tại Malaysia còn kéo theo một sự thay đổi lớn hơn. "Mặc dù nhiều người Malaysia nói được tiếng Anh, nhưng rào cản lớn nhất vẫn sẽ là ngôn ngữ, vì nó là công cụ để học tập về văn hóa và phong tục của một quốc gia," Salman nhận định.

"Nhìn vào những ví dụ từ quá khứ, rất nhiều người ngoại quốc đã không thích ứng được với sự thay đổi, và một số cuộc hôn nhân giữa người hoàng gia và người nước ngoài đã kết thúc trong ly hôn," ông nói thêm.

"Tuy nhiên, cũng có rất nhiều cuộc hôn nhân thành công, và việc nhận được lời khuyên từ bạn bè, cùng tình yêu và sự ủng hộ từ người phối ngẫu cũng như gia đình mới chắc chắn sẽ giúp thành viên mới dễ dàng thích nghi với lối sống mới"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục