Xu hướng chuyển dịch từ xe xăng sang ôtô điện sẽ diễn ra mạnh mẽ?

Thị trường xe điện Việt Nam được dự báo sẽ có bước nhảy vọt kể từ năm 2024 với sự tham gia của nhiều hãng xe trong và ngoài nước.

VinFast ra mắt mẫu xe điện mới. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
VinFast ra mắt mẫu xe điện mới. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Giới chuyên gia trong ngành nhận định, bước sang năm 2024, xu hướng chuyển dịch từ xe xăng sang ôtô điện được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, bất chấp toàn ngành ôtô vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách.

Phù hợp xu hướng

Cách đây 5 năm, khái niệm xe điện hóa còn xa lạ và e dè với phần đông người dùng ôtô tại Việt Nam, nhưng giờ đây xe hybrid (HEV - xe lai giữa xăng và điện) và xe thuần điện đã len lỏi khắp các ngõ ngách của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Có được bước chuyển mạnh đó là nhờ vào các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho xe điện phát triển từ Chính phủ như: Miễn phí trước bạ 0% cho các xe mới (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025); thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe điện giảm từ 15% xuống còn 3%, áp dụng đến ngày 28/2/2027... Các chính sách này đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, xe điện đã tăng từ 138 chiếc vào năm 2019 lên hơn 28.000 xe điện và 3.557 xe hybrid vào tháng 9/2023, cùng với hơn 2 triệu xe máy điện.

Thị trường xe điện Việt Nam được dự báo sẽ có bước nhảy vọt kể từ năm 2024 với sự tham gia của nhiều hãng xe trong và ngoài nước. Hiện tại, ngoài VinFast thì các hãng ôtô có mặt tại thị trường Việt Nam cũng đang từng bước chuyển đổi sang xe điện, xe sử dụng năng lượng “xanh.”

Đa số các hãng xe trong nước đã mở bán nhiều mẫu xe hybrid như Honda có CR-V, Kia có Sorento, Hyundai có Santa Fe, BMW có XM,Toyota có Yaris Cross, Corolla Altis, Innova Cross...

Không nằm ngoài cuộc chơi, trong năm 2023 các hãng xe sang như Audi, BMW, Mercedes-Benz cũng giới thiệu và mở bán tới khách hàng tại Việt Nam nhiều mẫu xe thuần điện mới như Audi e-tron, Mercedes-Benz EQB 250, EQE 500 4MATIC và EQS 500 4MATIC hay BMW I3, I4, I7...

Thậm chí, một số hãng xe có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng tìm cách quay trở lại thị trường Việt Nam bằng việc mở bán những mẫu xe điện, xe hybrid hoàn toàn mới. Đồng thời cũng đưa ra cam kết lộ trình phát triển lâu dài như đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ngay tại Việt Nam thông qua các đối tác chiến lược.

Đơn cử, Công ty cổ phần Carvivu, Nhà phân phối độc quyền thương hiệu ôtô Haima tại Việt Nam ra mắt SUV thuần điện Haima 7X-E, Công ty GWM Thành An ra mắt SUV Haval H6 Hybird.

Đặc biệt, tiến tới hoạt động lâu dài, Công ty cổ phần ôtô TMT đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) - (SAIC - WULING), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ôtô điện của GM - (SAIC - WULING) tại Việt Nam.

Hay Tập đoàn Geleximco đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Chery tại Thái Bình; TC Motor bắt tay Skoda Auto xây dựng nhà máy sản xuất xe Skoda tại tỉnh Quảng Ninh.

Dư địa lớn

Trên khắp thế giới, Chính phủ các nước đưa ra những quy định về việc thay đổi loại phương tiện từ thuần xăng, dầu sang điện hóa như xe hybrid và xe thuần điện. Làn sóng điện hóa nhanh chóng lan tới Việt Nam và ngày càng nhận được nhiều quan tâm từ người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện chất lượng không khí đang suy giảm.

Để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin về xu hướng sử dụng ôtô giảm phát thải, ngay đầu năm 2024, triển lãm xe điện hóa Việt Nam về EV vừa diễn ra tại Hà Nội đã giúp người tiêu dùng có cơ hội lái thử, tìm hiểu về công nghệ cốt lõi của xe điện.

Tâm điểm của triển lãm là không gian trưng bày các dòng sản phẩm xe điện hóa và phụ kiện xe đến từ các thương hiệu lớn tại Việt Nam, giúp người tiêu dùng trong nước có một cách nhìn khác về dòng xe xanh này.

Còn tại hội thảo quốc tế về chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện diễn ra vào tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết ở nước ta, việc chuyển đổi phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng đến, nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, 10 năm đã đề ra.

“Việt Nam cũng đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô điện và các chính sách khuyến khích sử dụng xe ôtô điện. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, đã nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức, như: Nhận thức của doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa đầy đủ, thiếu hạ tầng trạm sạc, thiếu cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sử dụng xe điện,” Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.

Còn theo đại diện của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), việc chuyển đổi sang xe điện hóa, xe thân thiện với môi trường là nhu cầu tất yếu và phù hợp với Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/7/2022 về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26. Theo đánh giá của VAMA, giá xe điện đắt hơn xe dùng động cơ đốt trong chủ yếu do giá thành pin cao.

Đại diện của VAMA cũng cho rằng kể cả giá pin giảm trong tương lai thì sự chênh lệch vẫn còn lớn. Do đó, việc chuyển đổi sang xu hướng dùng xe điện cần được tiếp cận một cách cân bằng, phát triển hài hòa, tránh gây xáo trộn thị trường.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Chính sách VAMA, xu hướng xe điện trong năm 2024 sẽ tiếp tục bùng nổ và nhu cầu người tiêu dùng tìm đến dòng xe này sẽ tăng cao.

Trước sự thâm nhập và trở lại thị trường Việt Nam đến từ các hãng xe có nguồn Trung Quốc với những mẫu xe điện, xe hybrid hoàn toàn mới được ra mắt trong hai năm có tác động đến xu hướng phát triển xe điện tại Việt Nam và thị phần của hãng xe điện VinFast, ông Hiếu cho rằng: “Sự xuất hiện của các hãng xe này không ảnh hưởng nhiều đến thị phần của VinFast mà sẽ giúp cho thị trường ở phân khúc xe điện ngày càng được mở rộng hơn, bởi đang nằm trong xu thế và thị phần bị mất đi sẽ là các xe dùng động cơ đốt trong."

“Đa số nhóm đối tượng của VinFast là những khách hàng có nhu cầu chuyển đổi phương tiện từ các thương hiệu xe như Toyota, Hyundai, Honda, Kia sang xe điện. Trong khi đó, sự xuất hiện của các hãng xe Trung Quốc chỉ làm tăng thêm sự đa dạng về sản phẩm trên thị trường mà thôi,” ông Hiếu nói.

Trong khi đó, chuyên gia ôtô Lê Trường Giang cho rằng: “Năm 2023 mặc dù thị trường ôtô đã trải qua đầy khó khăn, thử thách, kinh tế suy thoái khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến nhu cầu mua sắm ôtô theo đó cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, thị trường ôtô điện, xe hybrid trong nước vẫn diễn ra khá sôi động, khi cuộc đua điện khí hóa giữa các nhà sản xuất, phân phối ôtô đang diễn ra rầm rộ.”

“Bước sang năm 2024, xu hướng chuyển dịch sang ôtô điện được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trên thế giới bất chấp toàn ngành ôtô vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách. Vì vậy, thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó và tôi dự đoán sẽ có thêm nhiều mẫu xe điện mới ra mắt tới khách hàng,” vị chuyên gia này dự báo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục